Earthship là một dạng nhà sinh thái chạy bằng năng lượng mặt trời. Chúng được xây dựng nhằm bảo vệ con người khỏi thiên tai, kể cả ngày tận thế. Chính vì vậy chúng còn được gọi là hầm trú ẩn. 

Một ngôi nhà sinh thái Earthship (Ảnh: Pinterest).

Vật liệu chủ yếu được dùng để xây dựng nên những ngôi nhà này là lốp xe tải cùng một số vật liệu tái chế khác hay còn gọi là rác. Tất cả tạo thành một khu trú ẩn vững chãi, an toàn có khả năng tự cung tự cấp năng lượng, nước sạch và cả thực phẩm.

Bên trong một ngôi nhà Earthship (Ảnh: Earthship Biotecture).

Kiến trúc sư người Mỹ Michael Reynolds được coi là cha đẻ của Earthship. "Rác là vàng" là câu nói huyền thoại của ông. Reynolds đã tạo ra Earthship đầu tiên trên thế giới vào những năm 1970. Kể từ đó đến nay, đã có khoảng 1.000 Earthship trên khắp thế giới, chủ yếu được làm bằng vật liệu mà chúng ta gọi là rác.

Kiến trúc sư Michael Reynolds - cha đẻ của Earthship (Ảnh: Archilovers).

The Greater World Community (tạm dịch: Cộng đồng Thế giới tốt đẹp hơn) tọa lạc tại thành phố Taos thuộc tiểu bang New Mexico, Mỹ chính là cộng đồng Earthship đầu tiên trên thế giới mà Reynolds xây dựng. Hiện trong cộng đồng có hơn 70 ngôi nhà sinh thái tự cung tự cấp làm từ vật liệu tái chế. 

Chúng được xây dựng và vận hành dựa trên nguyên tắc độc lập: thu thập năng lượng nhờ những tấm pin năng lượng mặt trời, tích trữ nước mưa để sử dụng; cũng như trang bị các hệ thống lọc, tái sử dụng nước để tắm và tưới tiêu.

Ngôi nhà được thiết kế kỳ công từ những vật liệu tái chế như lon bia, chai, ống nhựa... (Ảnh: Earthship Biotecture).

Trong cộng đồng The Greater World Community thì nhà The Phoenix là rộng nhất và có giá trị cao nhất lên tới 1,5 triệu USD. Ngôi nhà có diện tích 492 m2, bao gồm 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm. Nó cung cấp sự thoải mái và tiện nghi hiện đại trong một cấu trúc bền vững. 

Nhà The Phoenix Earthship (Ảnh: Loveproperty).

The Phoenix có nhà vườn kính với đầy đủ những loài thực vật tự nhiên như chuối, nho… thậm chí cả động vật hoang dã như chim, rùa và cá. Bên trong nhà kính còn có một không gian thư giãn với bàn ghế, nơi dành cho những tiệc trà chiều đầy lãng mạn. 

The Phoenix có nhà vườn kính với đủ các loài động thực vật (Ảnh: Loveproperty).

Phòng tắm của The Phoenix có tầm nhìn ra khu vườn, được làm từ những mảnh chai thủy tinh màu vô cùng đặc biệt. Nguồn nước được lọc từ nước mưa tự nhiên và đun nóng bằng năng lượng mặt trời.

Phòng tắm của The Phoenix (Ảnh: Loveproperty).

Một ngôi nhà khác trong cộng đồng là Vallecitos. Ngôi nhà này được hoàn thiện vào năm 2018 bởi công ty Earthship Biotecture. Ngoại thất tinh tế pha trộn giữa các đường nét hiện đại góc cạnh với các phương pháp xây dựng mộc mạc, tạo nên một dinh thự vô cùng độc đáo.

Nhà Vallecitos Earthship (Ảnh: Loveproperty).

Vallecitos tràn ngập ánh sáng nhờ những ô cửa sổ, mang đến tầm nhìn đẹp như tranh vẽ ra cảnh quan sa mạc của vùng nông thôn. Các bức tường được thiết kế để giữ nhiệt vào mùa đông và giữ cho không gian sống mát mẻ vào mùa hè. 

Vallecitos có tầm nhìn đẹp như tranh vẽ ra cảnh quanh sa mạc của vùng nông thôn (Ảnh: Loveproperty).

Nước mưa và tuyết tan chảy được gom lại, lọc và dẫn vào bồn rửa, sau đó sẽ được chuyển ra ngoài làm nước tưới cây trong nhà kính. Tiếp đến, nó được sử dụng để xả nhà vệ sinh và cuối cùng chuyển hướng ra bên ngoài để xử lý cây trồng trong vườn. 

Wifi trong nhà được cung cấp bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: Loveproperty).

Vallecitos có 2 phòng tắm và hai phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn và phòng khách. Wifi được cung cấp bằng năng lượng mặt trời. Chủ nhân của ngôi nhà có thể thưởng thức rau và trái cây được trồng trong vườn, hoàn hảo cho cuộc sống tự cung tự cấp.

Cũng nằm trong cộng đồng The Greater World Community, Waybee có thiết kế hoàn chỉnh với hai phòng ngủ và hai phòng tắm hoàn toàn không dùng lưới điện. 40% cấu trúc của ngôi nhà làm từ lốp xe, vỏ lon và chai tái chế.

Nhà Waybee Earthship (Ảnh: Loveproperty).

Được xây dựng vào năm 2015, Waybee là một trong những ngôi nhà Earthship hiện đại nhất trong cộng đồng. Mỗi phòng đều được xây dựng với lớp cách nhiệt ở ba mặt và lắp kính ở phía nam, cho phép ánh sáng mặt trời tràn vào bên trong và làm ấm các bức tường. Sau đó, nhiệt được giải phóng tự nhiên theo thời gian, đảm bảo nhiệt độ ổn định quanh năm.

Waybee là một trong những ngôi nhà Earthship hiện đại nhất trong cộng đồng (Ảnh: Loveproperty).

Bất kể mùa nào, khu vườn trong nhà Waybee đều trồng nhiều trái cây và rau hữu cơ, bao gồm các loại thảo mộc, ớt, cà chua, cải xoăn và dưa chuột. Nước mưa được gom, lọc và sử dụng tuần hoàn để tưới nước cho nhà kính.

Waybee có nguồn cây trái dồi dào cả bốn mùa (Ảnh: Loveproperty).

Trên đây chỉ là số ít những Earthship đang có mặt trên trái đất. Michael Reynolds tin rằng, những ngôi nhà sinh thái Earthship này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Earthship chắc chắn có thể trở thành ngôi nhà vàng tự cung tự cấp trong tương lai.