Ca bệnh Covid-19 số 268 là ca bệnh cuối cùng của Việt Nam được ghi nhận tại cộng đồng. Đây là một thiếu nữ 16 tuổi ở Hà Giang có cha mẹ đi làm ở bên kia biên giới về. Ca bệnh này được công bố vào 6g ngày 16-4, kể từ đó đến 6g ngày 5-6, Việt Nam đã trải qua 50 ngày không phát hiện thêm ca bệnh mới trong cộng đồng. Các ca bệnh còn lại đều được ghi nhận khi thực hiện chính sách đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Quãng thời gian 50 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng cho thấy hiệu quả của việc thực hiện “giãn cách xã hội” mà Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra. Ngay sau khi xuất hiện những ổ dịch - “đốm lửa nhỏ” đã được khống chế, khoanh vùng, bao vây, thậm chí phong tỏa nên đã hạn chế được sự bùng phát thành những đám cháy lớn. Bên cạnh đó, khi bắt đầu xuất hiện một số ca bệnh không xác định được nguồn lây, những bệnh nhân này có hành trình di chuyển đến nhiều địa điểm, Ban chỉ đạo đã gấp rút bàn bạc và quyết định thực hiện giãn cách toàn xã hội. Nhờ chủ trương đó, “làn sóng thứ 2” đã được khống chế, không có cơ hội bùng phát dữ dội như một số nước trên thế giới.

Bệnh nhân nam phi công người Anh đã tỉnh táo, thực hiện được y lệnh, các chi cử động mạnh dần lên
(Ảnh cắt từ clip).

Số ca mắc được ghi nhận không còn dồn dập, cuộc sống người dân không còn bị xáo trộn bởi cách ly hay giám sát y tế. Đến nay, Việt Nam có môi trường cộng đồng đảm bảo an toàn. Các ca bệnh mới được ghi nhận đều là những trường hợp được giám sát, cách ly, theo dõi ngay sau khi nhập cảnh. Người dân trong nước trở lại cuộc sống “bình thường mới” với niềm tin vui, phấn khởi. Những tour du lịch nội địa bắt đầu trở nên sôi động. Cuộc sống rất đỗi bình thường ấy tại Việt Nam nhưng có lẽ là niềm ao ước, mong mỏi của biết bao người dân ở các nước đang bùng phát dịch với số ca mắc lên tới hàng triệu/hàng trăm nghìn; so ca tử vong lên tới hàng trăm/hàng chục nghìn.

Không chỉ đạt kỳ tích về việc khống chế, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng, Việt Nam còn khiến quốc tế kinh ngạc vì cho đến nay có tới 302 trên tổng số 328 trường hợp nhiễm Covid-19 được chữa khỏi (chiếm 92,1%), chưa ghi nhận ca tử vong. Ngay cả với nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch tưởng chừng không thể qua khỏi, tỉ lệ sống sót chỉ là vài phần trăm nhưng đội ngũ thầy thuốc, bác sỹ - nói rộng ra là ngành y tế Việt Nam vẫn nỗ lực hội chẩn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả thần kỳ.

Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân 19, trải qua 3 lần ngừng tuần hoàn (ngừng tim), với diễn biến nguy kịch-lọc máu, chạy ECMO… bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn tỉnh táo. Qua quá trình chăm sóc, dinh dưỡng, tập vận động, bệnh nhân đã khỏe mạnh hoàn toàn, tự đi lại được, tự phục vụ được bản thân.

Hay trường hợp hiện vẫn đang được điều trị nhưng có quá trình thoát khỏi cửa tử đầy ngoạn mục là bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh. Bệnh nhân này nhập viện từ 18-3 với triệu chứng ban đầu khá bình thường, nhưng sau đó diễn biến nặng nhanh, phức tạp, thất thường. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” - phản ứng miễn dịch dữ dội (hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ). Bệnh nhân này còn kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước nên quá trình chờ mua thuốc từ nước ngoài về các bác sỹ đã phải cân nhắc, điều chỉnh, theo dõi sat sao từng diễn biến.

Có những thời điểm, phổi bệnh nhân này đông đặc gần như hoàn toàn (90%), chỉ còn tỷ lệ thông khí đạt 10%. Sự sống mong manh, leo lét tưởng chừng chỉ chờ tắt lịm. Thông thường với tình trạng người bệnh như vậy thì chỉ còn cách… buông xuôi, nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, Hội đồng chuyên môn, ngành y tế Việt Nam vẫn nỗ lực hội chẩn trực tuyến liên viện để tìm ra giải pháp tối ưu nhất, cho dù cơ hội mong manh. Thời điểm đó, các chuyên gia, BS đã tính đến phương án ghép phổi cho bệnh nhân, dù rằng tỷ lệ thành công cũng rất nhỏ nhoi.

Như một phép màu, sau khi bệnh nhân liên tục âm tính với SARS-CoV-2, các chuyên gia đã quyết định chuyển bệnh nhân từ BV Bệnh nhiệt đới sang BV Chợ Rẫy để điều trị chuyên sâu. Và chỉ trong thời gian rất ngắn, bệnh nhân đã hồi phục thần kỳ: Độ đông đặc phổi đã giảm từ 90% xuống còn 42%, đồng nghĩa tỷ lệ thông khí phổi tăng từ 10% lên tới 58%. Cùng đó, bệnh nhân đã tỉnh táo, thực hiện được y lệnh của bác sỹ. Cảm nhận được thực tế mình đang nằm viện, đang được các nhân viên y tế hết mình cứu chữa, bệnh nhân đã chảy những giọt nước mắt xúc động. Khi nhân viên y tế trò chuyện, hướng dẫn phục hồi chức năng vận động, bệnh nhân đã mỉm cười thay cho lời cảm ơn tự đáy lòng mình.

Theo đại diện BV Chợ Rẫy, đến ngày 4-6, bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO và tình trạng vẫn ổn định. Các tổn thương ngực, bụng bình thường, bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực.

Mặc dù tình trạng bệnh nhân vẫn còn nặng và cần tiếp tục nỗ lực điều trị nội khoa, hồi sức, dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu; theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc; cần nhiều tuần để cai máy thở, phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác… Tuy nhiên, những kết quả điều trị đến thời điểm hiện tại của bệnh nhân 91 cho thấy sự nỗ lực của các chuyên gia, thầy thuốc cũng như sự khẳng định về chuyên môn của ngành y tế Việt Nam.