Sốt là dấu hiệu y khoa thông thường đặc trưng bởi sự gia tăng thân nhiệt của cơ thể. Thân nhiệt bình thường của trẻ dao động từ 37-37,80C, trẻ trên 380C mới coi là sốt.

Sốt ở trẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng), hoặc sốt nhưng không do bệnh nhiễm trùng (các bệnh thuộc hệ thống tạo máu như Leucose cấp, Hodking, bệnh nhược tủy...), có thể do rối loạn điều hòa thân nhiệt (say nắng, say nóng; các bệnh lý gây tổn thương trung khu điều hòa thân nhiệt...) hoặc do phản ứng của cơ thể (dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn...).

Khi nào cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ?

Khi trẻ bị sốt, cần cởi bớt quần áo, cho trẻ mặc quần áo mỏng, nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, theo dõi thân nhiệt, cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là dùng dung dịch oresol (ORS) hoặc nước gạo rang. Đồng thời dùng biện pháp chườm mát, cứ 30 phút chườm một lần, chườm khăn ấm vào vùng da tương ứng với động mạch lớn đi qua như trán, nách, bẹn (tuyệt đối không chườm lạnh hoặc nước đá). Nếu thân nhiệt của trẻ không giảm, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, nếu vì một lý do nào đó chưa thể cho trẻ đi khám bệnh ngay được, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt.

Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5oC trở lên. Nếu sốt dưới 38,5oC có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như trên. Cần theo dõi thân nhiệt trẻ thường xuyên khi trẻ bị sốt. Không để trẻ sốt cao, rất nguy hiểm vì trẻ có thể bị co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ.

Chỉ hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5oC.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Trên thị trường có nhiều loại thuốc hạ sốt có thể sử dụng cho trẻ, trong đó nhóm thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm không steroid (hay gặp là aspirin) hoặc paracetamol (acetaminophen) thường được sử dụng nhiều hơn cả. Tuy vậy, khi sử dụng các loại thuốc này, nhất là paracetamol có rất nhiều biệt dược khác nhau (paracetamol kết hợp với dược chất khác)... cần hết sức lưu ý để tránh quá liều.

Đối với thuốc aspirin, sai lầm lớn nhất là dùng không đúng độ tuổi và không đúng chỉ định có thể gây ra một số tai biến, bởi vì, aspirin có thể thúc đẩy gây ra hội chứng Reye. Hội chứng Reye là một bệnh lý não chủ yếu gặp ở trẻ em gây phù não và gan nhiễm mỡ, đặc biệt trẻ sốt do mắc bệnh bởi virus cúm, nhất là cúm Influenzae type B, bệnh thủy đậu. Vì vậy, nếu trẻ dưới 16 tuổi mắc các bệnh cúm, thủy đậu thì không được dùng aspirin để hạ sốt.

Ngoài ra, nếu mắc bệnh sốt xuất huyết mà dùng aspirin còn có thể làm tăng nặng xuất huyết, bởi vì, thuốc aspirin ngăn ngừa ngưng tập tiểu cầu gây xuất huyết nặng hơn.

Mặc dù paracetamol là thuốc ít độc, có thể dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi, nhưng đây lại là thuốc có thể gây hại gan nếu lạm dụng. Paracetamol vào cơ thể qua máu, đi qua gan được chất glutathion (do gan sản xuất ra) sẽ chuyển hóa thành chất không độc hại. Nhưng nếu dùng quá liều (trên thị trường thường có các loại hàm lượng lớn hơn 300mg cho nên rất khó để chia liều, vì vậy, dễ bị tăng liều dùng cho trẻ) hoặc nếu dùng kéo dài gan không thể sản xuất đủ chất glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc, nhất là lúc trẻ sốt, đói (trẻ không chịu ăn hoặc ăn vào nôn ra hết hoặc không hấp thu được trong bệnh nhiễm trùng đường ruột...), sẽ làm tổn thương gan gây hủy hoại tế bào gan không hồi phục rất nguy hiểm.

Để khắc phục hiện tượng bị tăng liều thuốc, với trẻ dưới 5 tuổi nên cho dùng dạng thuốc paracetamol đơn chất (thành phần của thuốc chỉ có paracetamol không kết hợp với bất kỳ một loại thuốc nào khác), bột hòa tan được trong nước hoặc dùng dạng sirô, bởi vì các dạng này dễ chia liều và dễ uống.

Không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết và ngưng khi trẻ hết sốt.

Liều lượng của paracetamol dùng cho trẻ cần tính theo cân nặng của trẻ, không tính theo tuổi. Nếu dùng thuốc hạ nhiệt đúng liều chỉ định mà trẻ vẫn sốt cao, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.