Những điều cha mẹ cần biết để chăm sóc răng sữa cho trẻ em theo hướng dẫn của chuyên gia
Nhiều trẻ răng thường bị sâu, bị vàng hoặc có những khoảng trống chỉ còn trơ những cái nướu và vài cái răng lưa thưa. Trẻ nhà có điều kiện hay không có điều kiện đều gặp chung hoàn cảnh này. Vấn đề không phải lỗi của trẻ mà chính là cha mẹ chúng ta ít khi quan tâm đến răng sữa.
Răng sữa quan trọng như thế nào?
Một số cha mẹ nghĩ rằng răng sữa mọc sao cũng được, dù sao cũng bị thay thế sau 6 tuổi, quan trọng vẫn là răng vĩnh viễn sau đó. Tuy nhiên, quan niệm như vậy chưa đúng.
Thực tế, răng sữa rất quan trọng với trẻ. Không phải tự nhiên tốn công tạo ra răng sữa chỉ để trẻ sử dụng vài năm rồi để thay thế. Nhiệm vụ của răng sữa quan trọng như "người dẫn đường". Nếu dẫn đường sai thì răng vĩnh viễn sẽ bị mọc sai.
Hơn nữa, răng sữa hình thành sẽ hỗ trợ vấn đề học nói dần dần của trẻ thông qua điều chỉnh ngữ âm và âm điệu. Quan trọng hơn, răng sữa sẽ hoàn chỉnh nhiệm vụ của tiêu hóa tiền tuyến, giúp trẻ quen dần với cảm giác nhai và học cách nhai.
Học nhai cần một khoảng thời gian dài đến trước 6 tuổi để hình thành hành vi ăn uống của trẻ. Nhai tốt đã được chứng minh liên quan đến ngăn ngừa các bệnh mạn tính về sau như đái tháo đường, tim mạch.
Răng sữa bị hư hại có thể làm bé không tự tin với nụ cười, thậm chí những câu nói trêu đùa của người lớn về sún răng, sâu răng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý ở trẻ khi lớn lên.
Những bằng chứng hiện nay cho thấy răng sữa mọc khỏe mạnh và rụng đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ phát âm tốt (cả tiếng Việt và ngoại ngữ).
Trẻ sẽ phát triển tốt hành vi nhai chậm, nhai đúng và định hướng đều đặn ngay thẳng cho răng vĩnh viễn mọc nên. Từ đó tạo cấu hình nha chu đều, đẹp và tăng tuổi thọ dẻo dai của răng vĩnh viễn.
Cách phòng ngừa sâu răng sữa cho trẻ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất hoặc tổn thương răng sữa là do sâu răng. Mảng bám thức ăn trên răng là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và tổn hại đến răng. Để nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ răng sữa cho trẻ, cha mẹ cần:
Ý thức vai trò quan trọng của răng sữa
Nếu răng sữa sâu hoặc tổn thương, răng vĩnh viễn cũng không khỏe mạnh. Răng sữa tổn hại hay không là do chính cha mẹ có giúp bé bảo vệ nó hay không, không phải lỗi do trẻ.
Do đó, cha mẹ hãy chải răng cho trẻ ngay khi bé mọc chiếc răng đầu tiên. Bạn hãy chịu trách nhiệm chính trong việc vệ sinh đánh răng cho bé trước 5 tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian này cha mẹ nên giúp trẻ hình thành ý thức răng miệng, ý thức đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ.
Không cho trẻ uống nước trái cây quá sớm
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, việc giới thiệu nước ép trái cây cho trẻ dưới 1 tuổi là không cần thiết. Thay vào đó, trẻ nên được cho ăn trái cây tươi để hạn chế các vấn đề liên quan đến sâu răng.
Giới thiệu nước ép giai đoạn 1-3 tuổi nên hạn chế ở mức 80-120ml nhằm hạn chế nguy cơ trẻ bị sâu răng và giúp trẻ không bị đầy bụng để ăn những đa dạng những thực phẩm khác.
Chọn kem đánh răng phù hợp
Khi bắt đầu mọc răng, trẻ cần được cha mẹ đánh răng bằng kem đánh răng chứa fluoride. Cha mẹ cần biết cách chọn kem đánh răng và bàn chải đánh răng phù hợp theo độ tuổi.
Hạn chế độ ăn ngọt
Bộ Y tế Anh khuyến nghị cha mẹ không nên hoặc hạn chế tối thiểu các thức ăn hay thức uống nhiều đường cho trẻ dưới 3 tuổi như các loại bánh ngọt, nước ngọt có ga, nước tăng lực hay nước ép trái cây đóng chai.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Birch, Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), việc không giới thiệu các loại thực phẩm chứa đường trước 3 tuổi sẽ giúp hành vi ăn uống của trẻ ở giai đoạn sau có chiều hướng tốt và ít bị "nghiện" các thực phẩm không lành mạnh.
Dùng chỉ nha khoa
Cha mẹ nên kết hợp việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng cho bé khi trẻ được 2 - 2,5 tuổi. Cha mẹ nên hỗ trợ trẻ kỹ thuật này đến khi con biết sử dụng vào khoảng 8-10 tuổi.
Giải thích cho trẻ hiểu về bệnh sâu răng
Không nên trêu chọc trẻ về sâu răng hay răng sún. Cách tốt nhất, cha mẹ hãy giúp trẻ nhận ra rằng vai trò của răng sữa và tầm quan trọng của việc đánh răng, bảo vệ răng không bị sâu để con hình thành ý thức chăm sóc răng miệng ngay từ khi còn nhỏ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...