Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ bị còi xương

Tại Việt Nam và các quốc gia đang phát triển, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường mắc chứng bệnh còi xương. Những trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ sinh non, trẻ nuôi bằng sữa bò, trẻ sinh vào mùa đông… thường có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Một số trẻ mắc các chứng bệnh viêm ruột, loét dạ dày và các bệnh lý liên quan đến thận… cũng có nguy cơ bị còi xương.  

Lượng canxi và vitamin D của cơ thể bị thiếu hụt có thể khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc chứng còi xương -  Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia, độ tuổi trẻ dễ mắc chứng còi xương chủ yếu dưới 3 tuổi. Đây là giai đoạn cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng nên cần một lượng lớn canxi và phốt pho để hình thành khung xương.

Trong giai đoạn khởi phát, trẻ bị còi xương sẽ có các dấu hiệu đổ mồ hôi trộm, hay khóc đêm, khó ngủ, trẻ rụng tóc vành khăn. Trẻ bị còi xương giai đoạn 2 sẽ có dấu hiệu đau xương cánh tay, chân, cột sống, xương chậu. Trẻ chậm phát triển chiều cao và cân nặng, xương yếu, dễ gãy. Hiện tượng chuột rút thường xuyên xuất hiện. Trẻ còn gặp các vấn đề về răng như chậm mọc răng, sâu răng, xói mòn men răng.

Trẻ trong giai đoạn từ 3 đến 36 tháng tuổi rất dễ mắc chứng còi xương - Ảnh minh họa: Internet

Ở giai đoạn nặng, trẻ bị còi xương sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng về xương như xương mềm, hình dáng đầu thay đổi, vùng đỉnh đầu và phía trước đầu nhô to hơn. Thời gian dài, lồng ngực trẻ có hiện tượng biến dạng, ngực dô ức gà, xương sườn cong. Trẻ sau 1 tuổi tập đi sẽ ảnh hưởng lên vùng chi với biểu hiện cong xương, chi dưới hình chữ O, chữ X, cột sống cong, đầu gối vẹo ra ngoài.

Cần làm gì khi trẻ bị còi xương?

Theo trang Beingtheparent, sự thiếu hụt vitamin D và canxi ở trẻ em trong những năm đầu đời sẽ dẫn đến bệnh còi xương. Cha mẹ cần phát hiện sớm và điều trị chứng còi xương ở trẻ bằng cách bổ sung vitamin D và canxi sớm nhất. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh còi xương có thể gây ra những khuyết tật vĩnh viễn về mặt thể chất.

Trẻ cần được uống vitamin D khi vừa chào đời để phòng tránh bệnh còi xương - Ảnh minh họa: Internet

Việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho trẻ cần được thực hiện ngay sau khi trẻ chào đời. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D và canxi bằng thuốc uốc cho con. Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày vào buổi sáng sớm để cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D.

Theo các bác sĩ, trẻ sau sinh 7 ngày cần được tắm nắng thường xuyên. Việc bổ sung vitamin D có thể thực hiện theo liều lượng gợi ý:

Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức cần bổ sung vitamim D liều 400 IU/ngày bắt đầu từ vài ngày sau sinh đến 12 tháng tuổi. Trẻ đã cai sữa mẹ nên ngừng uống vitamin D và uống mỗi ngày 1000ml sữa bổ sung nhiều vitamin D.

Trẻ trên 12 tháng tuổi: Bổ sung liều vitamin D 600 IU/ngày. Trẻ đang điều trị một số bệnh mạn tính cần bổ sung vitamin D liều cao theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cha mẹ nên tăng cường cho trẻ ăn các thực phẩm giàu canxi và vitamin D để phòng tránh bệnh còi xương - Ảnh minh họa: Internet

Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ nên tích cực ăn các thức ăn giàu vitamin D khi cho cho bú. Trong giai đoạn ăn dặm, cha mẹ nên bổ sung nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D cho bé như sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá, họ nhà đậu…