1. Viêm mũi dị ứng

Trong thời khắc giao mùa, sự thay đổi của nhiệt độ và sự hiện diện của những tác nhân gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc sẽ làm cho những bé có cơ địa nhạy cảm bị viêm mũi dị ứng với biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi liên tục.

Tình trạng dị ứng có thể ảnh hưởng lên mắt làm trẻ ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của bé.

Ảnh minh họa: Internet

Tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, cho trẻ mang khẩu trang mỗi khi ra đường, dùng nước muối sinh lý để làm vệ sinh mũi và mắt thường xuyên có thể hạn chế phần nào tình trạng dị ứng. Tuy nhiên nếu tình trạng không cải thiện hoặc có khuynh hướng trầm trọng hơn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn cho bé loại thuốc kháng dị ứng, kháng viêm phù hợp.

2. Hen phế quản

Thời tiết thay đổi và sự phát tán của những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, cây cỏ trong môi trường hay hoạt động gắng sức của trẻ khi chạy nhảy, chơi đùa nhiều ở trường có thể làm khởi phát cơn hen ở những trẻ bị hen suyễn.

Nguy cơ sẽ tăng cao hơn nếu trẻ có tình trạng viêm mũi dị ứng chưa được điều trị hiệu quả. Ho, khò khè, khó thở là những triệu chứng thường gặp khi trẻ bị hen. Tuy nhiên đôi khi ho về đêm kéo dài là biểu hiện duy nhất chúng ta ghi nhận được khi trẻ bị hen.

Trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu hen không được kiểm soát tốt hay dùng thuốc không thích hợp. Hầu hết các thuốc điều trị hen đều có khoảng cách giữa liều điều trị và liều độc rất gần nhau, do vậy hãy tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hay ngưng thuốc đột ngột. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không nuôi thú vật trong nhà và hạn chế khói bụi, thuốc lá sẽ giúp tình trạng sức khỏe của bé tốt hơn.

3. Cảm cúm

Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển và lây lan. Bé có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với bạn bè hay những người mắc bệnh xung quanh.

Vài ngày sau khi bị nhiễm, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt ( có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), ho, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú,có thể kèm ói và tiêu chảy… Nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh thường tự giới hạn và trẻ sẽ trở lại sinh hoạt bình thường sau 5-7 ngày.

Tuy nhiên đôi khi bệnh diễn tiến nặng hơn và trẻ có thể gặp nguy hiểm do những biến chứng viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, mất nước, rối loạn nước điện giải…

Ảnh minh họa

Khi bé sốt có thể dùng những loại thuốc giảm sốt thông thường để hạ nhiệt cho trẻ. Cần lưu ý không sử dụng Aspirin để giảm đau hạ sốt cho trẻ vì có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm.

Nếu trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi có thể dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để làm sạch mũi. Những thuốc ho thảo dược như Eugica, Pectol, Astex có thể giúp làm dịu cơn ho. Không nên kiêng cử, hãy khuyến khích trẻ ăn uống nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng năng lượng bị thiếu hụt.

Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé nhỏ hơn hai tháng hoặc sốt cao liên tục không đáp ứng với những thuốc hạ sốt thông thường, tình trạng sức khỏe của bé không cải thiện hoặc ngày càng trầm trọng thêm, bé có biểu hiện khò khè, khó thở, thở nhanh, nôn ói, tiêu chảy nhiều, vật vã, bứt rứt, lừ đừ…

Để tránh cho trẻ mắc bệnh và hạn chế lây lan, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Tập cho trẻ thói quen sử dụng khăn giấy và che miệng mỗi khi ho, hắt hơi, xì mũi, thường xuyên rữa tay mỗi khi chơi đồ hàng, từ nơi công cộng trở về nhà và trước khi ăn

Hãy cho trẻ chích vaccin ngừa cúm định kỳ mỗi năm. Sau khi chích ngừa trẻ vẫn có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên mức độ thường nhẹ hơn và trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục hơn.

4. Tiêu chảy cấp

Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra thường bùng phát vào các tháng thu đông. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hơn trẻ lớn. Sau khi nhiễm virus theo đường phân- miệng một vài ngày, trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, nôn ói và tiêu chảy.

Trẻ đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày với phân thường không có đàm máu. Tình trạng nôn ói và tiêu chảy nhiều có thể gây mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng. Vì vậy cần cố gắng cho trẻ uống nhiều nước oresol để bù lại lượng dịch đã mất.

Ảnh minh họa: Internet

Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas vì có thể làm tình trạng mất dịch trở nên nặng hơn. Thay vì kiêng cữ, hãy cho trẻ ăn uống bình thường và khuyến khích bé ăn nhiều hơn với các thức ăn ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa. Hãy đưa bé đến bệnh viện trong trường hợp bé nôn ói và tiêu chảy quá nhiều, uống nước háo hức, da khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, phân có đàm máu, bứt rứt, li bì…

Để phòng bệnh cần chế biến thức ăn vệ sinh, rữa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay thường xuyên là một cách hữu hiệu giúp phòng tránh bệnh lây lan.

Sau khi nấu chín thức ăn nên cho bé dùng ngay, dùng lồng bàn để đậy thức ăn và cho thức ăn dư vào tủ lạnh để bảo quản được lâu. Tránh cho bé ăn quà vặt bán ở vỉa hè hay thức ăn cũ có dấu hiệu ôi thiu.

5. Trở nặng những bệnh mạn tính

Cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và đưa trẻ đến bác sĩ khi cần bởi vì sự thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt hay mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính trong mùa thu có thể làm những bệnh mạn tính như viêm loét dạ dày- tá tràng, suy tim, viêm khớp trở nên trầm trọng hơn.

Nguy cơ béo phì sẽ tăng do khuynh hướng tích mỡ vào những tháng lạnh do vậy cần hạn chế cho trẻ dùng thức ăn nhiều dầu mỡ, tập thể dục đều đặn vừa sức và thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bé có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn, sảng khoái để học tập tốt hơn.