Nhồi máu cơ tim cấp thường được nhắc đến ở người trưởng thành và nhất là người lớn tuổi. Nhiều người nghĩ rằng nhồi máu cơ tim cấp không xảy ra ở trẻ em nhưng thực tế chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Thật ra trong y văn thế giới đã có nhiều báo cáo về các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ở trẻ em. Vào năm 1991, trên tạp chí Tim mạch Anh quốc đã đăng báo cáo của các chuyên gia tim mạch ở BV. Nhi Camperdown, Australia về 17 trường hợp trẻ em bị nhồi máu cơ tim. Các trường hợp này ghi nhận được trong 10 năm (1979 - 1989), trẻ bị bệnh từ 2 tháng đến 12 tuổi, có nhiều nguyên nhân khác nhau và tỉ lệ tử vong rất cao (47%).

Ảnh minh họa: Internet

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỉ lệ tử vong do tất cả các nguyên nhân ở trẻ em từ 22/100.000 trẻ từ 5 - 14 tuổi đến 756/100.000 trẻ dưới 1 tuổi (so với 90/100.000 người lớn 15 - 24 tuổi và 2.538/100.000 người lớn 65 - 74 tuổi). Trong đó nguyên nhân xác định do nhồi máu cơ tim cấp là 0,2/100.000 người lớn 15 - 24 tuổi và ít hơn 0,2/100.000 trẻ em dưới 1 tuổi (so với 1,4/100.000 người lớn 25 - 34 tuổi và 262/100.000 người lớn 65 - 74 tuổi).

Chúng ta thấy rằng có nhồi máu cơ tim cấp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng ở trẻ em rất hiếm. Trong khi ở người lớn bị nhồi máu cơ tim là bệnh động mạch vành mắc phải, có sự tích tụ nguy cơ trong cuộc sống tạo thành các mảng xơ vữa gây nên sự co thắt mạch vành hoặc huyết khối.

Trẻ em không giống như vậy, hay gặp nhất là do bất thường mạch vành hoặc tình trạng viêm cấp của động mạch vành. Khi động mạch vành bị tắc hẹp đưa đến khối cơ tim chi phối bị thiếu máu. Cơ tim thiếu máu sẽ giải phóng ra cytokine của phản ứng viêm và làm chết tế bào. Hậu quả cuối cùng là rối loạn nhịp tim, hoặc là nhịp nhanh thất đưa đến rung thất hoặc đưa đến nhịp chậm gây ngừng tim. Điều này đưa đến hậu quả mất tuần hoàn ngoại biên và trụy mạch.