Mối họa chết người từ ban công chung cư

Vụ việc thương tâm đã xảy ra và khoảng 13 giờ chiều ngày 20/4, khi một bé trai 4 tuổi ở nhà một mình đã bất ngờ rơi từ tầng 11 tòa CT1-chung cư VinaHud 536A Minh Khai (phường Vĩnh Tuy) xuống mái hiên tầng 1 rồi tiếp tục rơi xuống đất. Tại chỗ nạn nhân rơi xuống, gạch bị rạn vỡ.

Dù được cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn nhưng bé trai đã không thể qua khỏi do bị thương quá nặng.

Khu vực tòa chung cư nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Người Lao Động

Thông tin trên báo Người Lao Động, vị lãnh đạo Công an phường Vĩnh Tuy cho hay thời điểm xảy ra vụ việc, mẹ cháu bé không có ở nhà. Có thể vì cháu ở nhà một mình, không mở được cửa phòng ra bên ngoài nên cháu bé đã trèo qua cửa sổ và rơi xuống dưới.

Thời gian gần đây, một loạt vụ việc tai nạn trẻ rơi từ ban công chung cư đã xảy ra hết sức thương tâm.

Cách đây không lâu, khoảng 18h ngày 31/3, tại chung cư B5 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra vụ 1 bé trai rơi từ tầng cao nhà xuống đất tử vong.

Được biết, cháu bé tên D. (3 tuổi) sinh sống tại tầng 6 của tòa chung cư. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cháu bé ở nhà với người thân. Tuy nhiên, trong lúc người thân ra ngoài thì cháu D. vào nhà vệ sinh và trèo lên ô thoáng không có lưới bảo vệ và ngã xuống dưới tử vong.

Trước đó, ngày 3/3, một vụ việc tương tự đã xảy ra khi một bé trai rơi từ ban công chung cư Linh Đàm xuống đất tử vong.

Theo nhân chứng, trước khi xảy ra vụ việc, bé trai được một người bác sống tại tầng 3 chung cư Rice City trông. Do cháu bé chơi ở khu vực ngoài ban công không may bị ngã từ tầng 3 xuống đất.

Mối họa từ ban công chung cư không có rào chắn. Ảnh minh họa

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cháu bé được đưa đến Bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân được xác định đã tử vong trước đó.

Xác nhận vụ việc trên báo Tài nguyên & Môi trường, đại diện Công an quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị sẽ cử cán bộ xuống phối hợp với chính quyền tuyên truyền để người dân lắp, rào chắn ban công gia đình một cách an toàn hơn để tránh tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra vị này cho biết thêm: “Các chung cư cao tầng hầu như không làm bảo hiểm khi nhà có trẻ nhỏ”.

Phải làm lưới an toàn thay cho hàng rào thép kiên cố

Sau khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc trẻ em rơi từ ban công, cửa sổ chung cư xuống đất, người lớn mới giật mình nhìn nhận mối hiểm họa khi sống tại các tòa nhà chung cư ở các thành phố lớn, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.

Ai cũng có thể nhận thấy, cửa sổ chung cư không có chấn song, ban công không rào chắn giống như một cái bẫy chết người.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân những cái bẫy này vẫn đang được "bỏ ngỏ". Có người cho rằng, vì gia đình bất cẩn khi trông nom con cái, có người cho rằng do chủ đầu tư “tiết kiệm” chi phí nên “quên” lắp song chắn, lưới an toàn.

Lắp lưới an toàn tại cửa cổ, ban công chung cư là việc cần làm ngay. Ảnh minh họa.

Dù với lý do gì thì sau những vụ việc trẻ mất mạng vì rơi từ ban công chung cư cao tầng xuống đất, người lớn phải nghiêm túc thực hiện giải pháp để tránh mối họa này.

Bày tỏ quan điểm trên báo Đảng cộng sản Việt Nam, kỹ sư Trần Ngọc Hân- Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định cửa sổ và ban công chung cư đều rất dễ xảy ra tai nạn cho trẻ nhỏ.

Bởi thanh ngang lan can giống như những bậc thang để trẻ leo trèo. Nếu cạnh lan can có các vật dụng như bàn, ghế thùng nhựa… trẻ càng có cơ hội. Với cửa sổ không có rào, chấn song nếu gần đó có bàn ghế, những đứa trẻ hiếu động sẽ leo lên để chui ra cửa sổ.

Về việc người dân tự thiết kế các hàng rào sắt cao tại ban công, theo kỹ sư Hân, đây là cách đảm bảo trẻ không thể rơi từ ban công xuống.

Nhưng nếu có hỏa hoạn xảy ran, hàng rào sắt kiên cố sẽ rất nguy hiểm, cản trở việc thoát hiểm, cứu hộ sẽ gặp khó khăn.

“Vì thế, người dân nên dùng lưới an toàn thay cho hàng rào thép kiên cố. Lưới an toàn vừa nhẹ, vừa đảm bảo mỹ quan, lắp đặt đơn giản, nếu hỏa hoạn có thể dùng kìm bình thường cắt dễ dàng”, Kỹ sư Ngọc Hân nhấn mạnh.

Đây là việc các gia đình đang sinh sống tại chung cư nên phải làm ngay khi mùa hè, trẻ được nghỉ học đang tới rất gần.

Ngoài biện pháp trên, các gia đình tuyệt đối không để các vật dụng có thể leo trèo tại ban công, cửa sổ… Đặc biệt, không được để trẻ nhỏ ở nhà một mình, vì khi trẻ không thấy người lớn sẽ nháo nhào đi tìm, thậm chí tìm mọi cách chui ra khỏi nhà mà không biết “tử thần” đang rình rập ngoài kia.