Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Khoa, khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, chỉ từ tháng 10 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 số trường hợp trẻ bị chấn thương mắt (chiếm khoảng 14% tổng số bệnh nhi nhập viện).

Trong đó, có đủ các tình trạng từ nhẹ (như chấn thương mi mắt hoặc các phần phụ như lệ đạo, ảnh hưởng đến sự lưu thông nước mắt) đến nặng (chấn thương gây xuất huyết vào pha lê thể, rách giác mạc, rách củng mạc, vỡ nhãn cầu...).

Phụ huynh đưa con đi điều trị tại khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đáng chú ý, có nhiều trường hợp tổn thương nặng liên quan đến tai nạn ở trường học.

Như trường hợp của một bé trai 7 tuổi (quê Bình Định), nhập viện vào đầu tháng 11 trong tình trạng chấn thương mắt 4 ngày, đã khâu kết mạc tại bệnh viện địa phương.

Khai thác bệnh sử, trước đó bé trai chơi cầu lông ở trường và vô tình bị vợt cầu lông của bạn đập vào mắt phải. Thời điểm vào bệnh viện ở TPHCM, bệnh nhi đã xuất huyết tiền phòng (chảy máu trong mắt) và xuất huyết pha lê thể (dịch kính), ảnh hưởng võng mạc nặng.

Dù các bác sĩ đã điều trị tích cực, dùng thuốc tan máu, thuốc ổn định nhãn áp suốt 1 tuần nhưng chỉ có thể bảo tồn về mặt thẩm mỹ, không giữ được thị lực mắt phải cho cháu bé.

Nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương nặng ở mắt vì những tai nạn khi sinh hoạt hoặc chơi thể thao (Ảnh: Hoàng Lê).

Tương tự là một trường hợp bé trai 10 tuổi, quê Đồng Nai, cũng bị chấn thương mắt phải vì vợt đập trúng trong lúc chơi cầu lông tại trường. Thời điểm bệnh nhi vào viện là ngày thứ 3 của tai nạn, lúc này bé chỉ thấy bóng bàn tay, xuất huyết tiền phòng độ 4, xuất huyết pha lê thể.

Bệnh nhi được điều trị bằng thuốc giảm xuất huyết và thuốc cầm máu trong 4 ngày. Sau điều trị, bé rất may mắn khi phục hồi một phần thị lực mắt phải (thử kính thị lực đạt 6/10).

Theo bác sĩ Khoa, tai nạn ở trường học chiếm khoảng 13-14% các chấn thương ở mắt, thường xảy ra trong những tình huống chơi thể thao, như đá bóng, đá cầu, đặc biệt là chơi cầu lông. Trẻ cũng có thể gặp nạn khi xô đẩy nhau lúc vui đùa, khiến thước kẻ, compa đâm vào mắt.

Tùy mức độ tác động của chấn thương, trẻ có thể kèm theo tình trạng phòi (thoát) tổ chức nội nhãn. Tổ chức này có vai trò quan trọng, giữ tính quang học của mắt. Nhiều trường hợp chấn thương nặng, các bác sĩ chỉ có thể xử lý bảo tồn tính thẩm mỹ, không cứu được thị lực cho bệnh nhân.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý thói quen sinh hoạt của con để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc (Ảnh: Hoàng Lê).

"Trung tuần tháng 9, chúng tôi đã tiếp nhận một em bé 7 tuổi quê Quảng Nam, đạp xe va vào bạn ở trường gây chảy máu mắt. Sau tai nạn, gia đình tức tốc mua vé vào TPHCM điều trị, nhưng mắt trái bé đã bị phù lên, tổn thương mi mắt và kết mạc nặng, vỡ nhãn cầu.

Cha mẹ cháu rất hiểu biết, đưa con đi khám ngay nhưng cuối cùng cũng không giữ được mắt vì vết thương quá nặng", bác sĩ Khoa chia sẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ không có ý thức tự bảo vệ, nên phụ huynh cần lưu ý thói quen sinh hoạt của con, tránh các đồ vật dễ gây sang thương như kìm, kéo, dao, con quay... Tại trường học, khi trẻ chơi thể thao cần có các thiết bị, vật dụng bảo vệ.

Khi đã xảy ra chấn thương, không tự ý xử lý mà nên đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, sau đó có thể chuyển lên các bệnh viện tuyến trên có chuyên khoa sâu về mắt để can thiệp phù hợp.