Theo thống kê sơ bộ của lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 8/2022 đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 50 trường hợp bị lừa sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Lào và Philippines.

Số lượng nạn nhân tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Đảo (17 trường hợp), Lập Thạch (8 trường hợp), Tam Dương (7 trường hợp)…Trong đó, có 39 người may mắn được trở về.

Cảnh giác với chiêu lừa 

Trung tá Lê Tiến Dũng – Phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là sử dụng các trang mạng xã hội nhắm vào những  người dân tộc thiểu số, nhiều nạn nhân chưa tới tuổi thành niên, trình độ nhận thức hạn chế, không có công việc làm với hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”.

Trung tá Lê Tiến Dũng, Phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị người dân cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo xuất cảnh trái phép - việc nhẹ lương cao. Ảnh: Anh Hào

Để thu hút “con mồi”, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng mà không cần trình độ chuyên môn, bằng cấp. Không những vậy, còn được chu cấp toàn bộ chi phí đi đường để xuất cảnh trái phép ra nước ngoài qua các đường mòn, lối mở.

Khi vừa đặt chân sang biên giới, những người lao động sẽ bị các đối tượng tổ chức thu giữ điện thoại và các giấy tờ cá nhân, bị cưỡng ép làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, các trang mạng lừa đảo bán hàng online, hoặc trò chuyện khiêu dâm do người nước ngoài cầm đầu.

Nạn nhân cũng bị giao khoán số tiền phải lừa đảo hàng ngày.

“Các nạn nhân sẽ bị phạt, bị bỏ đói,  giam giữ, đánh đập nếu không hoàn thành số tiền được giao khoán. Trường hợp nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với người nhà để gửi tiền chuộc từ 100-250 triệu đồng” – Trung tá Dũng nói.

Những bài học "cười ra nước mắt"

Trường hợp của N.Q.D. (22 tuổi, trú huyện Tam Đảo) là một ví dụ điển hình. Tháng 2/2022,  qua mạng xã hội D. đọc được thông tin tuyển dụng làm bảo vệ tại Campuchia với mức lương khởi điểm 800 USD/tháng.

Khi liên lạc với người đăng thông tin này, D. được một người phụ nữ hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân để đặt mua vé máy bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất, sau đó đưa sang Campuchia.

Khi sang đến nơi, D. bị thu giữ điện thoại, giấy tờ tuỳ thân và bị đưa đến một công ty của người nước ngoài, bị bắt thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng xã hội. Sau khi thấy công việc không đúng như hứa hẹn, D. xin được trở về Việt Nam thì giam giữ, bắt ép điện về cho gia đình gửi 250 triệu đồng tiền chuộc.

Do số tiền chuộc quá khả năng của gia đình nên D. bị đánh đập, bỏ đói và bị bán cho rất nhiều công ty khác nhau. Ngày 30/10/2022, lợi dụng sơ hở của các đối tượng, D. đã trốn được về Việt Nam.

Trường hợp khác là P.V.N. (29 tuổi, trú huyện Lập Thạch) cũng sập bẫy với thủ đoạn tương tự.

Tháng 3/2022, N. đọc được thông tin tuyển dụng đi lao động tại Campuchia với lương tháng nghìn USD, chỉ cần ngồi máy tính, không yêu cầu kinh nghiệm. Thế nhưng giấc mơ làm giàu trên đất khách chưa vui đã lụi tàn. Khi vừa đặt chân tới Campuchia thì N. được đưa đến làm việc cho một công ty của người Trung Quốc và được cấp một điện thoại để chạy quảng cáo cho game trên điện thoại và máy tính.

N. liên tục bị ép làm việc đến 18 tiếng/ngày . Đuối sức, N. đề nghị cho thôi việc để về Việt Nam thì lập tức bị đánh đập, chích điện.

Ngày 2/10/2022, nam thanh niên may mắn được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia giải cứu.