Nhân sinh có ba thứ không thể nào giấu giếm được: Bị ho, nghèo khó và tình yêu– ta càng muốn giấu giếm, nó lại càng hiển hiện rõ ràng. Nhân sinh có ba thứ chớ nên phung phí: Thân thể, tiền tài và tình yêu – nếu phung phí thì kết quả mất nhiều hơn được.

Nhân sinh có ba thứ không cách nào giữ lại được: Sinh mệnh, thời gian và tình yêu – càng muốn giữ lại thì nó càng cách xa. Nhân sinh có ba thứ không nên ghi nhớ: Tai họa, tử vong và tình yêu – nếu ta càng nhớ thì càng cảm thấy khổ đau nhiều thêm.

Trạng thái tốt nhất của một người được biểu hiện: Có gương mặt thoạt nhìn thấy trẻ hơn tuổi thực từ 3-5 tuổi, có tâm lý trưởng thành hơn độ tuổi từ 3-5 năm. Một người nhìn càng đơn giản, thì có nội tâm càng phong phú.

 
Người càng thể hiện ta đây khôn khéo thì nội tâm càng trống rỗng. Có rất nhiều người cứ băn khoăn rằng làm sao để có được mưu mô tính toán, kỳ thực, đơn giản mới chính là cảnh giới cao của trí tuệ, đó cũng là sức mạnh, là sự tu dưỡng tâm hồn.

Không ai thay đổi được thế giới, mà chỉ thay đổi quan niệm của chính mình; không ai thay đổi được việc diễn ra, mà chỉ có thể thay đổi tâm tình; không ai thay đổi được cách nhìn của người khác, mà chỉ thay đổi cách nghĩ của bản thân.

Khi không thể thay đổi hướng gió, thì hãy điều chỉnh cánh buồm. Nếu sự việc không thể xoay chuyển được, vậy hãy thay đổi quan niệm. Nếu muốn sự tình thay đổi, thì đầu tiên hãy bắt đầu với chính mình, chỉ có thay đổi chính mình thì mới có thể thay đổi cuộc sống xung quanh.

Kẻ địch lớn nhất của chúng ta không phải là người khác, mà là chính bản thân ta. Chỉ có chiến thắng chính bản thân thì mới có thể chiến thắng khó khăn, trở ngại.

Có đôi khi, trong cuộc sống chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi chán nản. Đó không phải do cuộc sống quá mức khắc nghiệt, mà là do chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, hay cảm xúc của người khác tác động đến.

Sinh hoạt trong một xã hội đông đúc, chúng ta luôn cảm nhận được vô số ánh mắt xoi mói, dò xét, nghe không ít lời nói bịa đặt lạnh lùng tàn nhẫn. Những thứ ấy khiến tinh thần chúng ta rối loạn, hoang mang, càng ngày càng khiến chúng ta cảm thấy như đang bị bao vây, trói chặt trong mớ hỗn độn đó mà không có lối thoát nào.

Kỳ thực, chúng ta sống là vì chính bản thân chúng ta, không phải sống vì người khác, chẳng thể đòi hỏi ai cũng phải thực lòng quan tâm đến mình. Cho nên, chúng ta cứ đạm nhiên mà sống.

Người xưa có câu: “Thư kiến hiền học cung hành, quan ái dân nghiệp chủng đức”, ý nói: Người đọc sách mà không tu dưỡng đức, thì chỉ là nô lệ của chữ. Làm quan mà không thương yêu che chở dân thì chỉ là cường đạo mặc áo mũ chỉnh tề.

Dạy tri thức mà không tán thành thực hành thì chỉ như hòa thượng thuận miệng tụng kinh mà không ngộ Pháp. Người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức thì cũng chỉ như đóa hoa nở, trong nháy mắt sẽ héo tàn.

Tâm không động mới có thể giữ vững được khí tiết. Tâm không động mới có thể bảo trì được chân ngã. “Tĩnh” không phải là im lặng, mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái căn bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâm, thông qua tự thân điều tiết mà có.

Người có tâm bình tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của thế tục. Nó cũng có thể làm mất dần tham niệm và những chấp trước mê muội, từ đó mà minh sáng ra.

Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin, mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống, phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn, cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình, tin tưởng vào chính mình, khẳng định mình.

Làm được như vậy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, sinh mệnh của chúng ta có một sức sống mới, khiến cho mỗi ngày, chúng ta đều là một sinh mệnh mới.