Mary C. Murphy là tiến sĩ - giáo sư Khoa học Tâm lý và Não bộ tại Đại học Indiana, Mỹ. Đồng thời, cô là giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao về Khoa học Hành vi tại Đại học Stanford.

Cô cho biết, nếu một người có tư duy phát triển, họ sẽ tin rằng khả năng học hỏi của bản thân là vô hạn. Ngược lại, nếu có tư duy cố định, người đó sẽ tin rằng bản thân không có tài năng hoặc không thể làm gì để thay đổi cuộc sống.

Cách để giúp một đứa trẻ thành công là khuyến khích chúng tiếp cận tư duy phát triển. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể cải thiện đáng kể thái độ, sự gắn kết và hiệu suất học tập của trẻ.

5 cách giúp trẻ rèn luyện tư duy phát triển

1. Chia sẻ câu chuyện về sự kiên trì

Đôi khi, trẻ cảm thấy xấu hổ trước những thất bại hoặc khó khăn của mình vì mọi việc rất dễ dàng với người lớn.

Vì thế, việc kể một câu chuyện liên quan tới thất bại, sự kiên trì là cách truyền đạt bài học hiệu quả mà cha mẹ nên làm. Thông qua các câu chuyện, trẻ được mở mang đầu óc, nhận thấy khó khăn mình trải qua không là gì cả, từ đó dần hình thành tư duy phát triển.

Ảnh minh họa.

Mary kể rằng, một người bạn của cô có một cô con gái 8 tuổi có tính cách cầu toàn. Nếu không nắm vững kiến thức mới ở trường, cô bé sẽ tỏ ra chán nản. Vì vậy, người bạn của cô - một nhà văn đã chia sẻ với con gái mình rằng, cô phải trải viết rất nhiều bản thảo cho mỗi dự án, liên tục sửa lỗi và cải thiện công việc của mình. Cô bé rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi phát hiện ra ngay cả mẹ mình cũng phải làm việc chăm chỉ.

Những loại câu chuyện như thế này giúp bình thường hóa, cho trẻ thấy hầu hết mọi việc đều có chút khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.

2. Nói về những sai lầm bản thân

Mary cho biết, khi áp dụng tư duy phát triển, bạn sẽ không sợ mắc sai lầm vì tin rằng, điều đó không phản ánh khả năng thực sự của bản thân. Thay vào đó, hãy coi những sai lầm là cơ hội để học hỏi.

Một trong những phương pháp để khuyến khích tư duy phát triển mà Mary thấy rất hữu hiệu, đó là một giáo viên treo bức tranh lớn trên tường với tiêu đề "những sai lầm yêu thích của tôi". Mỗi học sinh chia sẻ lỗi mà các em từng mắc phải và lỗi đó đã thúc đẩy việc học của bản thân như thế nào.

Cha mẹ cũng có thể chia sẻ những sai lầm mình từng mắc phải và cách bản thân vượt qua nó như thế nào, khuyến khích con cái nói ra những điều tương tự. Thông qua những cuộc trò chuyện như thế này, trẻ có thể chấp nhận sai lầm của mình và đón nhận những điều cha mẹ dạy.

3. Nhắc nhở trẻ đã tiến được bao xa

Trẻ em thường quá tập trung vào sự thất bại hoặc khó khăn mà chúng đang trải qua ở thời điểm hiện tại mà quên mất những điều mình đã làm được trong quá khứ.

Nếu con bạn cảm thấy chán nản, hãy nhắc nhở trẻ về con đường chúng đã đi và những trở ngại đã vượt qua để đến được vị trí hiện tại.

Ví dụ: "Con có nhớ lúc con gặp khó khăn khi học đọc không? Bây giờ con đang tự mình đọc toàn bộ cuốn sách".

Cha mẹ có thể lấy ra một số bài tập, ảnh hoặc video cũ để minh họa rằng, những điều từng là thử thách đối với trẻ giờ đây trở nên dễ dàng như thế nào.

4. Hỏi trẻ xem chúng cần hỗ trợ ở đâu

Cha mẹ nên thường xuyên hỏi han con mình về những khó khăn chúng đang gặp phải, liệu có cần được hỗ trợ hay giúp đỡ hay không. Điều đó có thể bao gồm việc giúp đỡ một bài toán khó hay một cuộc nói chuyện động viên.

Ví dụ: Cha mẹ có thể hỏi "hiện tại con có đang gặp khó khăn gì không".

Cha mẹ cũng có thể bắt đầu từ chính mình, kể về khó khăn mình đang gặp phải, sau đó hỏi con có đang đối mặt với vấn đề nào không.

Việc giúp trẻ hình thành tư duy phát triển không chỉ khuyến khích chúng kiên trì, cố gắng mà phải đảm bảo trẻ luôn có sự hỗ trợ cần thiết của cha mẹ bên cạnh.

5. Làm cho mọi thứ trở nên vui vẻ

Việc đình hình tư duy phát triển cho con cái không nhất thiết lúc nào cũng phải nghiêm túc hay nặng nề.

Ví dụ: Một hoạt động có thể vừa vui vừa hiệu quả là khuyến khích cả gia đình nghĩ ra một khẩu hiệu hoặc câu thần chú, chẳng hạn như "tôi thích học" hoặc "hãy cố lên".

Khi trẻ thấy việc học tập và phát triển thú vị, chúng sẽ có nhiều khả năng muốn thực hiện những việc cần thiết để đạt được điều đó.