Bệnh thường xuất hiện vào tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 25. Một số chị em phụ nữ hiện nay vì e ngại trong việc thăm khám nên khi có dấu hiệu buồng trứng đa nang thường bỏ qua mà không điều trị. Liệu điều này có ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này hay không?

Đa nang buồng trứng là gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường là những người có sự gia tăng bất thường về nồng độ testosterone và LH,  những chất này sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 - 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.

Các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác chưa được biết, nhưng các yếu tố nguy cơ đã được xác định. Yếu tố di truyền khá rõ khi thường thấy ở phụ nữ mà có mẹ hay chị gái cũng bị buồng trứng đa nang.

Buồng trứng đa nang có thể xảy ra ở tuổi rất trẻ (11 tuổi). Nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe khác: 50% sẽ bị đái tháo đường trước 40 tuổi, nguy cơ bị  đột quỵ tim tăng hơn so với người cùng tuổi, dễ bị cao huyết áp; cholesterol, mỡ trong máu cao và dễ bị ngưng thở khi đang ngủ.

Do mất cân bằng nội tiết, androgen làm suy yếu các nang noãn (trứng) khiến chúng tuy phát triển nhưng không thể trưởng thành (chất lượng trứng không tốt) và hiếm khi có hiện tượng rụng trứng xảy ra.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự liên quan giữa insulin và buồng trứng đa nang. Insulin là nội tiết kiểm soát sự thay đổi của đường, tinh bột và thức ăn giàu năng lượng khác để sử dụng và dự trữ. Mức insulin cao quá mức sẽ làm gia tăng sản xuất androgen dẫn đến mụn trứng cá, rậm lông, tăng cân và rối loạn rụng trứng.

Hình ảnh siêu âm của bệnh nhân mắc hội chứng đa nang buồng trứng.

Không có biểu hiện rõ ràng

Các dấu hiệu của hội chứng này thường không rõ ràng và khiến chị em phụ nữ dễ bỏ qua. Tuy nhiên, khi nhận thấy một trong những điều bất bình thường dưới đây, bạn có thể nhanh chóng liên tưởng ngay đến căn bệnh đa nang buồng trứng.

Rối loạn kinh nguyệt

Kinh thưa, kinh không đều hay vô kinh là những rối loạn về kinh nguyệt thường gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một trong những tiêu chuẩn chính để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang. Khoảng 90% phụ nữ thiểu kinh có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

Trên thực tế thông thường, sau vài năm dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ đi vào ổn định. Nếu thường xuyên có những chu kỳ kinh bất thường, ngắn dưới 25 ngày hoặc dài quá 35 ngày, nhất là những chu kỳ kinh dài và ra máu ít thì có thể đã mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Rậm lông, mụn, rụng tóc: Sự tích tụ nhiều hormon nam trong cơ thể sẽ kích thích sinh nhiều lông ở những vị trí như ria mép, ngực, chân tay, bụng... Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố sẽ dẫn đến thay đổi trên làn da. Da dầu, nhiều mụn có thể là dấu hiệu bệnh đa nang buồng trứng.

Béo phì: Ở những phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng, hormon insulin sẽ dư thừa so với nhu cầu cơ thể nên vấn đề tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn của nhóm phụ nữ này gặp rắc rối. Họ có thể dễ dàng bị béo phì hơn mặc dù không ăn nhiều. Theo thống kê 30-50% phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì. Để xác định tình trạng béo phì người ta dựa vào chỉ số BMI (>25) hay tỉ số vòng eo/vòng mông. Một số nghiên cứu cho rằng béo phì cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang. Cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng buồng trứng đa nang biểu hiện trên lâm sàng. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của hội chứng buồng trứng đa nang.

Điều trị như thế nào ?

Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang nhưng đã điều trị được những rắc rối do buồng trứng đa nang gây ra.

Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có  con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông... hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này. Tuy nhiên sau khi ngưng thuốc các triệu chứng có thể sẽ trở lại như ban đầu.

Nếu bệnh nhân có nhu cầu điều trị vô  sinh thì việc giảm cân đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của phương thức điều trị. Dùng các loại thuốc kích thích sự phát triển nang noãn. Bên cạnh các phương  thức điều trị nội khoa, có thể tiến hành mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng. Với trường hợp điều trị trên thất bại các bác sĩ tư vấn sử dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như thụ tinh nhân tạo IVF.

Tóm lại, buồng trứng đa nang là một  hội chứng thường gặp do không rụng trứng. Triệu chứng của hội chứng này thay đổi rất nhiều tùy thuộc từng bệnh nhân. Với trường hợp chưa có gia đình, vẫn có kinh tuy không đều chỉ cần khám và theo dõi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần. Nếu sau khi lập gia đình một đến hai năm mà không có thai nên khám sớm và người bệnh không nên quá lo lắng.