Mai Thu Thảo (26 tuổi, sống ở Gia Lâm, Hà Nội) lấy chồng hơn một năm nhưng vẫn chưa có con.

Chị Thảo kể kinh nguyệt không đều đã kéo dài trong khoảng 2 năm, cứ 2-3 tháng mới có kinh một lần. Dù chậm kinh, cơ thể cô gái trẻ không thấy đau hoặc có dấu hiệu của bệnh tật.

Vì thế, chị chủ quan, không đi khám, nghĩ rằng có kinh sẽ có con. Lập gia đình đã lâu, bố mẹ chồng nóng ruột muốn bế cháu nên bảo chị và chồng đi khám.

Tại bệnh viện, sau khi khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán chị Thảo bị hiếm muộn do rối loạn rụng trứng.

Nữ giới lo lắng vì chậm kinh. Ảnh: Freepik.

Những người mắc chứng rối loạn rụng trứng dễ hiếm muộn

Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết nguyên nhân hiếm muộn của nữ giới thường tập trung vào 3 nhóm chính, gồm:

- Các vấn đề tại tử cung do tử cung là nơi thai làm tổ, thai nhi phát triển.

- Tổn thương ở vòi trứng. Đây là nơi dẫn đường cho tinh trùng và trứng gặp nhau. Tổn thương gây viêm tắc vòi trứng sẽ cản trở tinh trùng không gặp được trứng để thụ thai thành công.

- Buồng trứng, nơi chứa “quả trứng vàng” để thụ tinh với tinh trùng thành phôi thai, gặp vấn đề khi hoạt động.

Theo chuyên gia, chu kỳ kinh nguyệt là “tấm gương phản chiếu” sức khỏe sinh sản và tương lai sinh nở của người phụ nữ. Người bình thường mỗi tháng sẽ có một chu kỳ kinh - sẽ có một quả trứng chín rồi rụng. Như vậy, một năm có 12 tháng, những người phụ nữ sức khỏe sinh sản tốt, kinh nguyệt đều sẽ có 10-12 quả trứng.

Ngược lại, những chị em mắc chứng rối loạn rụng trứng, 2-3 tháng mới có một lần kinh, thậm chí 6 tháng mới có kinh hoặc không có kinh sẽ khiến số lượng trứng chín, rụng ít dần - chỉ có khoảng 5-6 quả trứng chín/năm. Nhiều trường hợp cả năm mới có một đến 2 quả trứng chín.

Lúc này, khả năng mang thai ở những bệnh nhân rối loạn rụng trứng thấp. Nếu quan hệ tự nhiên sẽ mất nhiều năm mới có được cơ hội thụ thai do số lượng trứng chín quá ít.

Rụng ít trứng hoặc trứng kém chất lượng là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn. Ảnh: Freepik.

Chất lượng trứng quyết định khả năng mang thai

Mặt khác, vấn đề chất lượng trứng đóng vai trò quan trọng giúp nữ giới mang thai.

Ở những bệnh nhân có buồng trứng đa nang hoặc rối loạn rụng trứng, tỷ lệ noãn và trứng bất thường cao hơn so với phụ nữ thông thường. Khi thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ phôi bất thường cũng cao hơn.

Theo bác sĩ Thành, khi phụ nữ rối loạn rụng trứng, chất lượng của nang hoàng thể (bát canh dinh dưỡng để nuôi phôi thai sau khi trứng rụng) kém hơn so với bình thường. Do đó, cơ thể tiết ít nội tiết tố để nuôi dưỡng phôi thai.

Đây là nguyên nhân khiến nữ giới kinh nguyệt không đều thường chậm con, khó mang thai. Nếu đậu thai, nguy cơ sảy, lưu thai và thai nhi bất thường cao.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn rụng trứng là do não bộ vùng dưới đồi tuyến yên, cơ quan tiết ra các chất nội tiết kiểm soát việc kích thích nang trứng phát triển và chín rụng gặp vấn đề.

Thực tế, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất các chất hormone kích thích nang trứng phát triển ở vùng này như u tuyến yên, tổn thương ở vùng dưới đồi.

Bên cạnh đó, các vấn đề tâm lý như căng thẳng, trầm cảm gây ức chế cho vùng não bộ, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.

Buồng trứng trữ nhiều hoặc quá ít nang trứng có thể dẫn đến tình trạng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng.

Nếu chất lượng của nang trứng, noãn kém đi do nữ giới tuổi cao (sau 35 tuổi), chất lượng và số lượng trứng sẽ giảm nhanh.

Ngoài ra, quá trình kích thích nang trứng phát triển chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa, béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… khiến số lượng và chất lượng nang trứng giảm.

“Chu kỳ kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Do đó, khi có bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, chị em cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị các vấn đề sinh sản", bác sĩ Thành nhấn mạnh.