Thật khó để có thể tìm thấy một gia đình mà không có sự hiện diện của những sản phẩm này. Thế nhưng, các sản phẩm mỹ phẩm này có thể gây ra “chấn thương” cho trẻ em, mà ít người nghĩ tới...

Ngộ độc do ăn hoặc tiếp xúc với mỹ phẩm

Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng gần 65.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại nước này đã phải nhập khoa cấp cứu bởi các chấn thương liên quan đến mỹ phẩm từ năm 2002 đến 2016. Như vậy cứ khoảng 2 giờ lại có 1 trẻ phải đi cấp cứu vì chấn thương này. Nghiên cứu cho biết: Trong khoảng 86% các trường hợp, trẻ em bị ngộ độc do ăn, nuốt hoặc cầm nắm, tiếp xúc với các sản phẩm mỹ phẩm. Các trường hợp còn lại liên quan đến bỏng hóa chất.

Tỷ lệ gần 3/5 trường hợp các vụ chấn thương liên quan đến trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi. Nhà nghiên cứu Rebecca McAdams, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chấn thương và Chính sách tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Nationwide Children’s Hospital) ở Columbus, Ohio, Hoa Kỳ, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Do trẻ nhìn thấy một cái chai có nhãn đầy màu sắc, cuốn hút, thậm chí đôi khi có mùi giống như thứ gì đó mà chúng đã từng được ăn hoặc uống, vì vậy chúng cố gắng mở nó và tìm cách nuốt một miếng.

Vấn đề ở chỗ, chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra khi trong chai hóa ra là nước tẩy sơn móng tay thay vì nước trái cây, hoặc kem dưỡng da thay vì sữa chua.

Ngoài ra, hầu như tất cả mọi sản phẩm được giữ trong phòng tắm nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của cha mẹ cũng đều được ghi nhận là nguyên nhân của ít nhất một số trường hợp trẻ em cấp cứu tại bệnh viện.

Ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu cũng cho thấy: Thông thường nguyên nhân của các chấn thương liên quan đến mỹ phẩm là các sản phẩm chăm sóc móng (chiếm tới 28% các trường hợp), tiếp theo là các sản phẩm chăm sóc tóc (ở mức 27%) và các mặt hàng chăm sóc da (ở mức 25%).

Trong đó, nếu tính riêng từng loại sản phẩm, thì sản phẩm được đánh giá nguy hiểm nhất là nước tẩy sơn móng tay. Trong thời gian nghiên cứu, sơn móng tay có liên quan đến khoảng 17% các thương tích của nhóm mỹ phẩm được điều trị trong khoa cấp cứu. Bên cạnh đó, sơn móng tay cũng chịu trách nhiệm cho 9% các loại chấn thương khác. Gần 13% trường hợp chấn thương ở trẻ liên quan đến nước hoa.

Thuốc duỗi tóc với thành phần là các chất hóa học giúp làm thay đổi kết cấu của tóc xoăn để dễ duỗi thẳng hơn cũng chiếm khoảng 10% các trường hợp chấn thương ở trẻ, trong khi dầu gội và dầu xả chịu trách nhiệm cho 7% các trường hợp, kem dưỡng da chiếm khoảng 10% các thương tích liên quan đến mỹ phẩm trong nghiên cứu.

Nhóm tác giả của nghiên cứu lưu ý: Nghiên cứu này có thể đã đánh giá thấp tổng số ca thương tích bởi chỉ mới tính các trường hợp được cấp cứu khẩn cấp tại bệnh viện. Còn các thương tích được điều trị tại nhà thông qua hướng dẫn từ các cuộc gọi đến các trung tâm kiểm soát chất độc hoặc tại các phòng khám thì chưa được thống kê. Mặc dù vậy, kết quả của nghiên cứu đã gây bất ngờ cho rất nhiều người.

Hồi chuông cảnh tỉnh về cách lưu trữ và bảo quản mỹ phẩm

Mặc dù trong phần lớn các trường hợp, trẻ em sau khi được điều trị trong khoa cấp cứu thường xuất viện sau đó. Rất ít trong số các ca bị thương tích nặng đến mức cần lưu lạibệnh viện.

TS.BS.Lois Kay Lee - bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Boston và Trường Y Harvard Hoa Kỳ, cho rằng: Kết quả nghiên cứu là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ hơn về cách lưu trữ, bảo quản các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp tại nhà. Những sản phẩm này thường được sử dụng bởi các thành viên lớn tuổi trong gia đình và thường được để ở những nơi dễ dàng tiếp cận kể cả với trẻ nhỏ. Đặc biệt là những sản phẩm này cũng không được đóng gói đặc biệt để bảo vệ trẻ em.

Ảnh minh họa: Internet

BS. Lee khuyên rằng: Các bậc phụ huynh hãy coi các sản phẩm mỹ phẩm giống như thuốc. Nên lưu trữ các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp trong tủ hoặc nơi mà trẻ nhỏ không thể với tới. Và, cũng giống như thuốc, cha mẹ nên liên hệ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu đã ăn phải hoặc bị chấn thương bởi các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp.

Nếu một đứa trẻ nuốt phải một sản phẩm mỹ phẩm hoặc bị dính mỹ phẩm vào mắt, cha mẹ nên gọi cho trung tâm kiểm soát chất độc hoặc trung tâm y tếgần nhất để được hướng dẫn cách xử trí. Nếu trẻ có dấu hiệu gặp khó khăn rõ rệt khi nuốt hoặc có dấu hiệu đau họng/miệng, nổi đỏ, phát ban hoặc đau mắt và chảy nước mắt, trẻ nên được đưa đến khoa cấp cứu để đánh giá thêm.