Gia cầm không được kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh và không rõ nguồn gốc vẫn được mua bán, giết mổ tràn lan trên lề đường, chợ truyền thống trong bối cảnh dịch cúm A H5N1 trên người đang diễn biến phức tạp tại Campuchia làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát tại TP.HCM.

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, một tiểu thương tại chợ Cây Xoài (TP. Thủ Đức, TP.HCM) chào mời khách, tay chỉ vào chiếc lồng sắt đang nhốt hơn chục con gà sống. “Gà này là gà quê ăn lúa nên thịt ngon, hàng đảm bảo chất lượng. Em chọn con nào chị sẽ cân ký tính tiền rồi làm lông ngay tại chỗ, về là nấu ăn ngay”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, phía trước cửa hàng trên có một chiếc rổ to đựng rất nhiều lông gà còn dính nước. Trên nền xi măng cáu bẩn là dòng nước thải chảy ra từ việc giết mổ gà và bốc mùi hôi thối. Cách cửa hàng chỉ vài bước chân là các gian hàng rau, củ, quả và kinh doanh ăn uống tấp nập người ra vào giữa khu chợ sầm uất.

Khi thắc mắc về nguồn gốc, giấy kiểm dịch của số gia cầm sống trên, tiểu thương này cho biết lấy gà nhiều năm nay từ một mối quen. “Bán lâu năm nên chị nhìn là biết gà bệnh hay khoẻ rồi lấy về bán, chứ không có giấy tờ. Dịch cúm đang ở tận Campuchia, chứ có ở TPH.CM đâu mà sợ. Một ngày chị bán cả chục con, chưa khách nào hỏi về giấy kiểm dịch” - tiểu thương này nói.

Ngoài chợ Cây Xoài, nhiều chợ truyền thống tại khu vực trung tâm TPHCM như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Lập (TP Thủ Đức), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... có rất nhiều điểm bày bán tràn lan gia cầm “3 không”: không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh và không kiểm dịch. Bên cạnh đó, nhiều điểm kinh doanh gà, vịt sống chưa qua kiểm dịch cũng được bày bán tràn lan trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

Nhiều người chọn mua gia cầm sống ở chợ truyền thống rồi nhờ giết mổ tại chỗ vì tiện lợi, tươi ngon - Ảnh: Tiền Phong

Trước đó, theo thông tin từ báo Chính phủ, Bộ Y tế đã 'nhắc', từ ngày 23/11/2023 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tỉnh Kampot, Campuchia có giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm gia cầm phát triển.

Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người).

Đồng thời, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các địa phương cần tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm, để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Bên cạnh đó, các cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương phải tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao - Ảnh: báo Chính phủ

Trước tình hình cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở nước bạn, chia sẻ với báo Tiền Phong ngày 2/1, BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết: “Campuchia có giao thương với Việt Nam qua nhiều tỉnh, thành. Sự giao lưu giữa các đàn gia cầm có khả năng mang mầm bệnh là vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm bởi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan luôn ở mức cao”.

Theo BS Nga, người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng, diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Bệnh nhân có thể sốt cao liên tục trên 38 độ C, cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc, đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...

Cúm A/H5N1 diễn tiến nhanh, chỉ sau 12 giờ kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh có thể đã trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi, đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man. Bệnh cúm A/H5N1 có thể gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

BS Nga khuyến cáo, việc phòng bệnh của mỗi cá nhân là cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang luôn là phương án hiệu quả để phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm gia cầm.

BS Nga kêu gọi người dân không sử dụng gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm, chết để chế biến làm món ăn. Người tiêu dùng cần phải lựa chọn nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Những người có triệu chứng nghi ngờ bị viêm hô hấp cấp tính cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, trẻ em.