Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay có một số bệnh truyền nhiễm lưu hành ở Việt Nam đó là sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn còn lưu hành ở mức cao.

Cục Y tế dự phòng nhận định trong thời gian tới, điều kiện khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển.

Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Nguy cơ bệnh dịch bùng phát là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Mùa xuân đẹp nhất trong năm nhưng đây cũng là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh. Ảnh: Thu Hà

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Bệnh cúm mùa

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Ngoài ra, người dân cần tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân là cách để phòng dịch bệnh tấn công. Ảnh minh họa.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bệnh sởi

Đối với căn bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Bệnh tiêu chảy

Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, người dân cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ phân, rác thải xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu lợn

Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều người có thói quen ăn tiết canh. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh liên cầu lợn.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Cần tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.