Người phụ nữ nhờ tư vấn: có nên tới cơ quan của người tình tố cáo mối quan hệ của chính cô với kẻ thay lòng, hay im lặng ngậm đắng nuốt cay. Kèm theo bài viết là những ảnh chụp màn hình đoạn hội thoại với nỗi niềm uất nghẹn của cô khi làm người thứ ba. 

Ảnh minh họa: Internet

Bài viết khiến cộng đồng mạng lao vào ném đá cô gái không thương tiếc. Lý do ngoài việc là người thứ ba, cô còn là một giáo viên. Mọi người chỉ trích cô: “Làm người thứ ba - chị ta đã sai ngay từ khi bắt đầu”; “Đây là quả báo của chị ta khi nhẫn tâm phá gia cang người khác”; “Là giáo viên, tư cách và nhân phẩm thế này thì nên ra khỏi ngành”…

Đọc xong, tôi chợt nghĩ đến “nhân vật chính” - vết thương lòng còn mưng mủ vì chấm dứt một mối tình chị dành cả thanh xuân để yêu, giờ đây - khi lại thêm những mũi tên từ dư luận liệu chị có gượng được? 

Thật ra, không phải khi những “thánh bàn phím” chỉ trích, chửi bới, chị mới biết mình sai. Mà trong những dòng tin nhắn nhờ tư vấn, chị đã thừa nhận chị là người có lỗi trong mối quan hệ này.

Tôi cũng tin chị, khi mới bắt đầu - chị không biết người đàn ông ấy đã có vợ con. Bởi anh ấy thanh lịch, nho nhã và luôn dành cho chị thời gian cũng như sự quan tâm, yêu thương hết lòng. Và mới “say nắng” - có ai đòi phải coi giấy chứng nhận độc thân của người đàn ông, hay về ra mắt gia đình làm gì.

Mãi đến vài tháng sau, khi chính thức yêu đương mặn nồng, chị mới biết anh đã có gia đình - khi vô tình phát hiện nội dung tin nhắn: “Tối ba về nhớ ghé mua gà rán cho con”. Lúc đầu anh chối, nói đứa cháu gọi bằng cậu - mà anh rất yêu thương vẫn có thói quen gọi anh bằng “ba”.

 
Đến khi chị khóc lóc rồi cương quyết đòi về ra mắt gia đình anh, thì anh mới thú nhận là đã có vợ. Anh cưới vợ đã 9 năm và con gái anh đã 8 tuổi. 

Tôi cũng tin chị nói: chị sốc và muốn kết thúc ngay thời điểm đó. Nhưng anh hết xin lỗi, rồi biện minh, nỉ non là vợ chồng anh đã ly thân hai năm nay. Hiện hai người chỉ sống vì con, chứ tình cảm hai bên đã kết thúc, vì không cùng tiếng nói.

Và chị tin anh. Chị yêu anh. Chị cần một bờ vai để tựa vào. Chị sợ cô đơn. Chị yếu đuối và chị tin những gì anh nói “em bỏ rơi anh là đời anh thêm một lần bất hạnh, không còn ý nghĩa gì để tồn tại trên đời này”… 

Ngần ấy lý do để chị phân vân không biết nên dừng lại hay tiếp tục. Và khi đó thì vợ anh tìm đến trường, đứng trước cổng trường chửi bới, nhục mạ tình địch, sau đó vào gặp ban giám hiệu để tố cáo chị.

Đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh nhìn chị bằng đủ ánh mắt: khinh bỉ, xem thường, tội nghiệp… cùng những lời nói dè bỉu sau lưng. Chị không chịu nổi áp lực nên đã xin nghỉ dạy. 

Ảnh minh họa: Internet

Dù vậy, vẫn cứ bị ám ảnh bởi những ánh mắt miệt thị nên chị co mình lại, không dám ra đường - dù lòng nhớ da diết bục giảng, học trò - và nỗi uất hận người cũ.

Vì lẽ này, chị nhắn tin nhờ một người có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng gỡ rối giúp chị. Nhưng vết thương của chị lại bị xé toạc ra, khi người này đăng lại câu chuyện của chị trên mạng xã hội.

Thêm một lần nữa chị hứng gạch đá từ dư luận - và cả người từng quen biết chị. Người này còn hả hê bình luận: “nó xấu hổ nên rút luôn rồi”. Nhiều người cũng đồng tình với anh ta: “thế mới thấy sức mạnh cộng đồng mạng”, và “mai mốt biết nó đi dạy ở đâu sẽ vạch mặt tới đó”. 

Đọc tất thảy những điều trên, tự dưng tôi ghét cay ghét đắng cái mạng xã hội. Tại sao người ta luôn trong trạng thái chờ chực xâu xé đồng loại - dù người ấy từng lầm lỗi - và muốn quay đầu. Điều quan trọng hơn, niềm tin của con người với con người liệu có còn không, khi tâm sự thầm kín nhất bị mang ra xâu xé, bươi móc với mục đích câu like của một cá nhân xa lạ nào đó, làm dày thêm nỗi đau của người khác.

Người thứ ba khi nhận ra sai lầm cũng cần được tha thứ, bao dung để họ làm lại cuộc đời. Mong ước đó thực sự chính đáng mà…