Được các nhà hoạt động hộ tống, một người phụ nữ cầm theo khẩu súng lục đồ chơi xông vào chi nhánh  của một ngân hàng ở thủ đô Beirut của Lebanon đòi rút số tiền tiết kiệm cá nhân trị giá 13.000 USD đang “bị giam” trong tài khoản. Sự việc xảy ra hôm 14/9. 

Trả lời Al-Jadeed TV, cô Sali Hafez cho hay cô cần tiền để lo chi phí điều trị căn bệnh ung thư cho người em gái. Cô đã nhiều lần tới ngân hàng để yêu cầu được rút tiền tiết kiệm, nhưng nhận được câu trả lời mỗi tháng chỉ có thể rút 200 USD. Trong tâm trạng vô cùng tức giận, cô Hafez đã cầm theo khẩu súng đồ chơi của cháu trai tới ngân hàng. 

Người phụ nữ cầm súng đồ chơi vào ngân hàng đòi rút tiền tiết kiệm. (Ảnh: Reuters)

“Trước đây, tôi đã cầu xin người quản lý chi nhánh ngân hàng cho rút tiền, tôi đã nói với ông ta rằng em gái tôi sắp chết và không còn nhiều thời gian. Tôi đã bị dồn với bước đường cùng”, cô Hafez nói trong cuộc phỏng vấn. 

Vào năm 2019, thời điểm đồng nội tệ của Lebanon mất giá và lạm phát tăng cao kỷ lục, chính phủ Lebanon đã yêu cầu các ngân hàng giới hạn số tiền được rút nhằm ngăn chặn tình trạng người dân rút đi tiền ồ ạt. Điều này khiến khoản tiền tiết kiệm của hàng triệu người dân Lebanon “bị giam” trong tài khoản mà không có cách nào rút ra được. Số tiền người dân được rút hàng tháng chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong khi tài khoản của họ có dư thừa tiền để sống sung túc hơn.

Còn hiện tại, khoảng 3/4 dân số Lebanon đang phải sống trong cảnh đói nghèo, giữa lúc nền kinh tế quốc gia ngày càng rơi vào vòng xoáy sụt giảm nghiêm trọng. 

Theo AP, cô Hafez và các nhà hoạt động thuộc tổ chức có tên Depositors’ Outcry đã tới chi nhánh của Ngân hàng BLOM và xông vào văn phòng của người quản lý chi nhánh. Họ ép các nhân viên ngân hàng giao ra số tiền 12.000 USD, và số tiền tương đương khoảng 1.000 USD bằng đồng bảng Lebanon. 

Cô Hafez nói rằng cô có tổng cộng 20.000 USD tiền tiết kiệm đang bị giữ trong Ngân hàng BLOM. Trước đây, cô đã bán đi nhiều tài sản cá nhân và thậm chí đã cân nhắc chuyện bán đi một quả thận để có tiền chạy chữa căn bệnh ung thư cho em gái (23 tuổi). 

Cô Nadine Nakhal, một khách hàng có mặt tại chi nhánh Ngân hàng BLOM, kể lại rằng những người đột nhập đã “đổ xăng khắp nơi tại ngân hàng, và cầm theo một chiếc bật lửa cùng lời đe dọa sẽ phóng hỏa”. 

Nhân chứng cho biết thêm cô gái cầm theo khẩu súng lục còn đe dọa sẽ nổ súng bắn người quản lý chi nhánh, nếu như cô này không nhận được tiền. 

Trong đoạn video livestream ngay tại chi nhánh Ngân hàng BLOM và đăng lên tài khoản Facebook cá nhân, cô Hafez cho biết bản thân không có ý định làm hại ai. 

“Tôi không đột nhập vào ngân hàng để giết hại bất cứ ai, hay phóng hỏa. Tôi ở đó để đòi quyền lợi của mình”, cô Hafez nhấn mạnh. 

Sau vụ việc, cô Hafez được người dùng mạng xã hội ở Lebanon ca ngợi là người hùng. thậm chí, cô này còn khuyến khích mọi người nên có hành động giống mình để có thể rút tiền trong tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. 

Các nhân chứng có mặt tại hiện trường tiết lộ một số nhà hoạt động hộ tống cô Hafez vào bên trong ngân hàng, trong khi những người còn lại đứng bên ngoài biểu tình. Sau đó, cô Hafez bước ra ngoài với số tiền được để trong túi nilon. 

Lực lượng bảo vệ đứng bên ngoài chi nhánh Ngân hàng BLOM đã bắt giữ một vài nhà hoạt động bao gồm người đàn ông mang theo một đồ vật trông như súng. Hiện không rõ đây có phải là súng đồ chơi hay không. 

Sự việc trên xảy ra chỉ sau vài tuần một tài xế lái xe chở thực phẩm xông vào chi nhánh Ngân hàng Liên bang ở quận Hamra tại thủ đô Beirut và bắt giữ 10 người làm con tin trong suốt 7 tiếng đồng hồ với yêu cầu ngân hàng giao hàng chục nghìn USD trong tài khoản tiết kiệm cá nhân để chi trả viện phí cho người bố bị bệnh. Nhiều người dân Lebanon ca ngợi nam tài xế là “người hùng” sau khi trở thành "kẻ cướp bất đắc dĩ".

Hiện tại, hàng triệu người dân Lebanon đang phải vật lộn tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát không ngừng tăng cao. 

“Chúng ta cần chấm dứt những chuyện đang xảy ra ở đất nước. Tiền của người dân vẫn đang bị mắc kẹt trong ngân hàng, và trong một số trường hợp họ là hững người đang bị ốm. Chúng ta cần tìm ra một giải pháp cho vấn đề này”, cô Nakhal nói.