Theo Oddity Central, tháng 9/2022, bác sĩ nhãn khoa Katerina Kurteeva ở thành phố Newport Beach (bang California, Mỹ) đã đăng tải đoạn video ghi lại quá trình tháo lắp nhiều kính áp trong khỏi mắt một nữ bệnh nhân lớn tuổi.

 

Theo nữ bác sĩ, cô đã lấy ra không dưới 23 kính áp tròng mà bệnh nhân bỏ quên trong mắt suốt vài tháng, thậm chí có thể là nhiều năm.

“Đừng đeo kính áp tròng khi ngủ”, lời cảnh báo được đăng kèm đoạn video. Trong clip, bác sĩ Kurrteeva dùng kẹp để loại bỏ hàng chục kính áp tròng cũ từ mắt của bệnh nhân. Một số trong đó đã chuyển sang màu xanh khi ở trong mắt bệnh nhân suốt thời gian dài.

 
Bác sĩ lấy ra nhiều kính áp tròng bị bỏ quên trong mắt bệnh nhân. (Ảnh: @california_eye_associate).

“Tôi cẩn thận tách từng lớp kính ra và đếm được tổng cộng là 23. Về cơ bản, chúng dính chặt với nhau sau khi ở trong mắt hàng tháng trời”, bác sĩ Kurteeva kể.

Bên cạnh đó, nữ bác sĩ nhãn khoa chia sẻ thêm, bệnh nhân của cô luôn quên tháo kính áp tròng trước khi đi ngủ và không ngừng hêm những chiếc mới vào sáng hôm sau.

Đoạn video của bác sĩ Kurteeva thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng, đa số mọi người đều vô cùng bất ngờ, không hiểu tại sao nữ bệnh nhân nói trên lại có thể sinh hoạt bình thường với quá nhiều kính áp tròng trong mắt.

Trước đó, một người phụ nữ 67 tuổi ở Anh cũng bỏ quên 27 kính áp tròng trong mắt. Được biết, bệnh nhân dùng kính áp tròng suốt 35 năm nhưng không đi kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ. Bà chỉ cảm thấy không thoải mái vì mắt bị khô và cho rằng đây là dấu hiệu của tuổi già.

“Tôi chưa từng gặp trường hợp tương tự trước đây. Đó là 1 khối kính rất lớn, bao gồm 17 lớp kính áp tròng dính liền với nhau và bị mắc kẹt lại trong mắt. Điều đáng ngạc nhiên là người phụ nữ này không hề phát hiện thấy dù nó gây ra rất nhiều kích ứng cho mắt”, bác sĩ Rupal Morjaria người điều trị cho nữ bệnh nhân chia sẻ với Optometry Today.

Sau khi thực hiện gắp 17 lớp kính ra, bác sĩ ngỡ ngàng phát hiện còn 10 lớp kính khác nằm dưới mi mắt. Bác sĩ Rupal Morjaria khuyến cáo cần lưu ý đến việc sử dụng kính áp tròng và dùng đúng các để tránh bị nhiễm trùng mắt, thậm chí mất thị lực.