Ghé Giồng Trôm (Bến Tre) hỏi thăm cụ bà có mái tóc dài “độc nhất vô nhị”, giống như con rắn khổng lồ… ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về giai thoại gắn liền với mái tóc. Đó là cụ Nguyễn Thị Định (87 tuổi) – hiện sinh sống tại Ngôi cổ Tự Huệ ở xã Bình Thành.

“Ở đây, chúng tôi gọi cụ Định là cô Tư “dị nhân” bởi sở hữu mái tóc dài đến 6.2m, bện chặt vào nhau trông vô cùng kỳ lạ. Mái tóc không được cắt gội và chăm sóc suốt mấy chục năm nhưng không có mùi khó chịu như nhiều người e sợ.

Cô Tư không có chồng cũng chẳng có con, sống trong Ngôi cổ Tự Huệ hơn 50 năm qua. Hiện tại cô được một người cháu gái chăm sóc mỗi ngày”, chị Thìn – một người dân xã Bình Thành cho biết.

Chị Nga – người cháu ruột chăm sóc cô Tư suốt thời gian qua tự giới thiệu: “Tôi là cháu của cô Tư, gọi bằng dì ruột. Ban ngày tôi vào ngôi cổ chăm sóc, phụ giúp dì làm cái này cái kia.

Dì mặc dù lớn tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nói chuyện rõ ràng lắm. Thậm chí dì còn nhớ được nhiều chuyện hơn cả con cháu. 25 năm qua, dì không ốm đau, cũng chẳng phải đi bệnh viện khám bệnh lần nào cả. Chỉ có điều mái tóc dài và nặng quá, dì không thể đi đứng được, chỉ ngồi một chỗ trên chiếc phản lớn này”.

Vừa dứt lời, chị Nga tiếp tục cho biết những ai đến đây thăm cô Tư đều có thể thoả sức trò chuyện và “chiêm ngưỡng” mái tóc dài 6.2m. Đặc biệt chị ít khi phải làm “thông dịch” giúp bởi cô nói gì mọi người đều nghe rõ và hiểu hết ý nghĩa.

Mái tóc dài của cô Tư được bọc trong chiếc túi vải dài hơn 6m.

Qua quan sát, mái tóc của cô Tư giống như con rắn khổng lồ, phần bím và đuôi tóc có hình thù kỳ lạ - màu đen nhánh, được kết đanh chặt dù không có sự tác động của bàn tay con người. Còn phần tóc ở đỉnh đầu đã thưa dần, bạc trắng…

“Vài người ghé tới thăm cô Tư đã không tin rằng mái tóc đanh, kết dính chặt thành bện như thế. Họ nói rằng cô đổ keo vào đó nên mới được như thế. Tôi thẳng thắn trả lời rằng chẳng có loại keo nào có thể khiến tóc kết đanh đẹp và độc lạ như thế”, chị Nga tâm sự.

Cũng theo chị Nga, vì mái tóc của cô Tư quá dài lại nặng nên phải thiết kế chiếc túi vài dài hơn 6m để đựng tóc. Chị sẽ đảm trách việc “đút tóc” từ từ vào túi vải, dùng dây buộc từng đoạn, sau đó cuộn trong thành 3 vòng sát người cô.

“Xưa dì muốn đi đâu phải quấn tóc quanh người, toàn thân cúi gập xuống… Song giờ dì không thể đi được nữa, vì thế cứ quấn tóc ở cạnh người thôi. Dì tôi xem phần tóc này như máu thịt riêng của bản thân nên trân quý lắm”, chị Nga cho hay.

Phần tóc ở đỉnh đầu của cô Tư đã thưa dần, bạc trắng…

Cháu gái nói xong, cô Tư bắt đầu kể về giai thoại của mái tóc dài “độc nhất vô nhị”. Cô cho biết, năm 19 tuổi trong một lần cắt tóc đã trở bệnh, đầu đau nhức như búa bổ, cơ thể ốm triền miên. Lúc đó, cô được gia đình đưa đi chạy chữa, bốc thuốc nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

“Từ đó tôi ngưng luôn việc cắt tóc. Đến khi tóc mọc dài trở lại, bệnh tình bỗng thuyên giảm. Lạ thay, khi tôi đi gội đầu lại đau nhức trở lại, vì thế ngưng việc đụng phần tóc xuống nước”, cô Tư nhớ lại.

Cứ thế, mái tóc của cô Tư dài theo năm tháng. Suốt mấy chục năm qua cô không hề “vệ sinh” cho phần tóc nhưng luôn sạch sẽ, không có mùi hôi hay các con côn trùng đeo bám.

Chị Nga là người chăm sóc cô Tư mỗi ngày.

“Ngoài mái tóc độc lạ, dì tôi còn gây bất ngờ khi không ăn cơm. Tôi nghe người lớn tuổi trong nhà kể rằng, từ lúc sinh ra, dì chỉ uống nước đường, nước cơm nhão pha đường, chứ không bú sữa mẹ. Đến tuổi ăn tuổi lớn, dì lại không thể ăn được thịt cá và cơm, chỉ ăn chay qua ngày nên sau này đã quyết định nương theo cửa Phật.

Hàng ngày, bà chỉ ăn mỗi một bữa trước 12h trưa. Thực đơn chủ yếu là hoa quả và các loại củ”, chị Nga tâm sự.