Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân người Trung Quốc (52 tuổi) được chuyển từ Trung tâm Y tế TP. Móng Cái đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh, sốt rét run trên 38 độ C, đau lưng thượng vị và hạ sườn phải lan ra sau lưng.

Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành chụp CT scaner ổ bụng, phát hiện có hình ảnh giãn đường mật trong và ngoài gan, ống mật chủ đoạn đầu giãn 10mm, đoạn đầu tụy có sỏi tăng tỷ trọng, kích thước 11mm.

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng ban đầu, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc sỏi ống mật chủ, chỉ định can thiệp đặt stent đường mật xử trí. Sau khi can thiệp, bệnh nhân vẫn xuất hiện cơn sốt rét run, xét nghiệm cấy máu xác định bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn.

Các bác sĩ đã hội chẩn liên Khoa: Ngoại - Truyền nhiễm - Quốc tế và lên phác đồ điều trị theo kết luận: bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn/nhiễm trùng đường mật.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống người đàn ông Trung Quốc mắc liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh tích cực tại Khoa Quốc tế. Sau 12 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cải thiện, không để lại di chứng của viêm màng não.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có bệnh cảnh điển hình nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên; đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Đáng chú ý, đường lây nhiễm có thể thông qua tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống, vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người.

Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não với biểu hiện: đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi liên cầu khuẩn lợn. Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh, nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Trong khi đó, di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân:

  • Không ăn tiết canh, lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh.
  • Đối với người chăn nuôi và giết mổ thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, máu, thịt lợn sống cần thực hiện vệ sinh cá nhân, trang bị bảo hộ lao động, giữ tay không bị trầy xước, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với lợn để tránh vi khuẩn xâm nhập.
  • Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn.
  • Ngoài ra, người chăn nuôi thường xuyên cọ rửa chuồng gia súc, tẩy uế bằng dung dịch diệt khuẩn... tránh đào thải mầm bệnh ra bên ngoài.