Quan điểm thịt đỏ có hại cho sức khỏe tim mạch xuất phát từ một nghiên cứu cho thấy chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol. Loại chất béo này có nhiều trong thịt đỏ, do đó nhiều người cho rằng thịt đỏ là ý tưởng tồi cho những ai muốn giảm cholesterol. Tuy nhiên, có những phần thịt nạc chứa ít chất béo bão hòa hơn. 

Hàm lượng mỡ máu (cholesterol xấu) cao có thể là một điều đáng sợ để kiểm soát vì mối liên hệ của nó đối với đột quỵ và bệnh tim. May mắn, chúng ta có nhiều cách để kiểm soát mức mỡ máu thông qua các thay đổi lối sống khác nhau, như tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống rượu và bỏ hút thuốc lá.

Song, theo nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất là chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.

Tiến sĩ y khoa Amy Goodson, tác giả cuốn The Sports Nutrition cho biết "Vấn đề nằm ở việc phần thịt đỏ đó như thế nào, khẩu phần ăn và loại thực phẩm ăn kèm. Nhiều người cố gắng đổ lỗi cho một loại thức ăn gây ra bệnh tật, sự thật lại nằm ở chất lượng của toàn bộ bữa ăn".

Như vậy, người có hàm lượng mỡ máu cao vẫn có thể ăn thịt đỏ nếu họ chọn thịt nạc, đồng thời duy trì lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ở mức thấp.

“Nếu bạn ăn thịt đỏ, bạn nên biến nó thành một phần trong chế độ ăn lành mạnh hàng ngày. Hàng loạt nghiên cứu chứng minh chất béo bão hòa có thể làm tăng mỡ máu, nên bạn chỉ cần ăn thịt đỏ nạc kèm theo khẩu phần có hàm lượng chất béo bão hòa thấp”, Goodson nhấn mạnh.

Chế độ ăn lành mạnh, theo bà, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, sữa có hàm lượng chất béo thấp và một số dạng thực phẩm khác. Nếu bạn cần một chút cảm hứng về cách kết hợp thịt bò nạc trong bữa ăn giàu chất dinh dưỡng, Goodson khuyên bạn thử ăn loại thịt này với cơm gạo lứt, hạt quinoa, cải xoăn, bông cải xanh, cà rốt, ớt chuông đỏ, quả bơ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ định nghĩa miếng thịt đỏ nạc chứa dưới 4,5 gram chất béo bão hòa, còn miếng thịt siêu nạc chứa dưới 2 gram chất béo bão hòa. Vì thế, Amy Goodson khuyến nghị người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên bao gói sản phẩm trước khi mua.