Ảnh minh họa: Internet

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Ông T. (60 tuổi, ngụ Tuyên Quang) nhập viện tại cơ sở y tế huyện sau khi phát hiện vùng ngực trái xuất hiện vết đen bất thường. Dù đã điều trị 2 ngày, vết đen không thuyên giảm mà còn lan rộng và loét sâu, gây đau đớn dữ dội. Trong đêm, ông T. được chuyển đến khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

Tại đây, ông được chẩn đoán viêm mô bào hoại tử vùng ngực trái, gout mạn tính và tăng huyết áp. Dù tinh thần tỉnh táo khi nhập viện, vùng ngực bị hoại tử đã lan rộng với kích thước 10x10 cm. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc hoại tử dạng hoại thư sinh hơi và tiến hành phẫu thuật để loại bỏ phần hoại tử.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 sau phẫu thuật, kết quả xét nghiệm cho thấy ông T. bị nhiễm nấm gây hoại tử. Bác sĩ phát hiện các vi khuẩn nấm sợi phát triển mạnh, ăn sâu vào mô cơ ở vùng ngực. Khu vực này rất phức tạp, đòi hỏi điều trị tích cực bằng thuốc kháng nấm đường tiêm truyền và sát khuẩn kỹ lưỡng.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Tỉnh, khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình thần kinh cột sống, cho biết: "Các ca mắc nấm hoại tử khá hiếm và căn nguyên thường không rõ ràng, khiến việc chẩn đoán ban đầu gặp khó khăn. Bệnh tiến triển nhanh, hoại tử đen trên da là dấu hiệu rất nguy hiểm, không có mủ hay nhiễm khuẩn tấy đỏ. Người dân nên đặc biệt lưu ý vết chầy xước tiếp xúc với đất bẩn, vì nguy cơ nhiễm nấm và tử vong rất cao".

Để loại bỏ hoàn toàn các mô bị nhiễm nấm, ngày 6/1, ông T. được phẫu thuật lần 2. Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, vùng hoại tử và nấm sợi xâm nhập đã được loại bỏ hoàn toàn. Dự kiến, ông sẽ được tiến hành vá da vùng ngực sau 7 ngày nữa.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý vệ sinh vết thương sau chấn thương, đặc biệt với vết xước tiếp xúc nền đất, để tránh nguy cơ nhiễm nấm hoặc biến chứng nguy hiểm.