The Bunker (tên căn nhà) do anh Phạm Khoa Nguyên (31 tuổi) thiết kế tại một khu dân cư yên tĩnh trên đồi thuộc thành phố Đà Lạt, được xây dựng thấp hơn khoảng 1,2 m so với mặt đường. Cái tên Bunker (Lô cốt quân sự) được đặt do vẻ ngoài có phần lãnh đạm với mặt tiền là một hàng rào gạch bê tông xếp chồng cùng ngoại thất bằng gỗ thui.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của căn nhà là nó sở hữu một cây cầu bê tông phía trước. Phần lớn cảm hứng thiết kế cũng được lấy từ đây khi anh chia ngôi nhà làm 2 khối chính là khu vực sinh hoạt và phòng thờ. Hai khối này được nối với nhau bằng cây cầu và tường kính để lấy ánh sáng.
Công năng của căn nhà được phân bố theo thói quen sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Tầng trên cùng là nơi hầu hết sinh hoạt chính diễn ra như tu thiền, nấu nướng, ăn uống, tiếp khách,...
Bố cục của ngôi nhà giống như những khối hộp chồng lên nhau và vát đi ở những nơi cần thiết. Người thiết kế đã tính toán kĩ lưỡng khi những góc vát 25 độ giúp đưa các trục chính của ngôi nhà về hướng chính bắc.
Cũng nhờ thiết kế này mà gió đông bắc luôn được thổi vào nhà tạo cảm giác dễ chịu trong mùa khô, đồng thời tạo đối lưu để gió đi khắp căn nhà.
Xen kẽ giữa các phòng ngủ là ban công và giếng trời bao quanh bởi cây xanh và thác nước.
Phòng thờ được tách bạch khỏi khối nhà chính bên đầu kia của cây cầu. Căn phòng này cũng được quan niệm như một tấm lá chắn đem lại bình an. Dải cửa sổ mỏng như nâng phần mái khỏi các mảng tường tượng trưng cho lời nhắn nhủ: "Vào đây, mọi điều phiền muộn như được nhấc khỏi tâm hồn".
Phòng ngủ được bố trí đơn giản với chất liệu mộc mạc nhưng vẫn mang lại sự tinh tế và tiện nghi nhất định, khác hẳn với sự lạnh lùng ở mặt tiền.
Yếu tố thiên nhiên cũng luôn được đề cao ở mọi không gian trong căn nhà.
Độc đáo nhưng sự hiện đại và tiện nghi là yếu tố luôn được chú ý.