Ngô Phương Lan: 'Mỗi đêm chỉ ngủ 2 tiếng vì chăm con gái đầu lòng'
- Sau 6 năm kết hôn, vợ chồng chị mới có được niềm hạnh phúc làm bố mẹ. Trong giây phút nhìn thấy con chào đời, cảm xúc của chị thế nào?
- Vì có nguy cơ bị tiền sản giật nên bác sĩ khuyên tôi đẻ mổ trước ngày sinh gần một tuần. Vợ chồng tôi rất hồi hộp và cũng đầy lo sợ khi kế hoạch không đúng như dự định chút nào. Ban đầu tôi mong muốn đẻ thường với tối thiểu sự can thiệp. Tuy nhiên mọi việc đều xảy ra rất nhanh và sau khoảng 3 tiếng, tôi nghe thấy tiếng em bé khóc khiến tôi cũng khóc theo. Mặc dù không cảm nhận nỗi đau trực tiếp như đẻ thường, giây phút con chào đời đích thực là cuộc 'vượt cạn' của cả hai mẹ con.
Trong lúc phải khâu vết mổ và nằm trong phòng hồi sức, tôi yêu cầu bác sĩ đưa em bé đi da kề da với bố trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ rằng, người mẹ luôn có sự kết nối tự nhiên khi cho con bú, nhưng với người bố nếu không có khoảng thời gian ban đầu này thì sẽ khó gần con hơn. Cũng chính vì vậy nên bây giờ em bé theo cả bố lẫn mẹ.
- Em bé giống bố hay mẹ nhiều hơn?
- Vợ chồng tôi đặt tên con là Lan Vy, tiếng Anh là Livia, theo một trong những phụ nữ quyền lực nhất thời La Mã cổ. Chồng tôi theo học văn học cổ, nên rất thích lịch sử và cái tên này. Em bé mới đầy tháng và tôi hay trêu là có vẻ con "bị" giống bố nhiều hơn, chỉ các ngón tay là giống mẹ. Từ các nét trên mặt cho đến hành động, cử chỉ khi ngủ của bé đều ngộ lắm. Nhưng mọi người nói là trẻ con sẽ còn thay đổi nên biết đâu sau này tôi lại được nhìn nét gì đó trên mặt con giống nhà ngoại (cười).
- Khi làm mẹ, cuộc sống của chị ra sao?
- Thói quen sinh hoạt của vợ chồng gần như thay đổi hoàn toàn. Trước đây chúng tôi cố gắng dành thời gian tối đa cho bản thân và cho nhau, thì bây giờ toàn bộ là dành cho con. Vợ chồng tôi quyết định nuôi con theo cách cổ điển, có nghĩa là hai vợ chồng tự làm hết, thi thoảng ông bà ngoại rảnh sẽ qua bế và chơi với cháu. Ban đầu tôi nghĩ một cách rất đơn giản, nếu bố mẹ đã làm được thì chúng tôi cũng sẽ làm được, không cần phải thuê người ngoài để bế và chăm con cho mình. Sau 2 tuần ngủ trung bình 2 tiếng mỗi đêm thì tôi mới hiểu ra vì sao nhiều gia đình thuê người để đêm trông con cho họ ngủ ngon giấc. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm theo phương châm "tự túc là hạnh phúc". Đến giờ, mọi việc bắt đầu vào guồng rồi nên tôi cũng cảm thấy an tâm hơn.
- Chị gặp những bỡ ngỡ gì khi tự chăm con mà không nhờ đến người thân?
- Trước khi sinh con, tôi đã đọc sách và nghiên cứu rất nhiều nguồn khác nhau, nhưng tất nhiên sách vở không hoàn toàn như thực tiễn. Dẫu sao, nhờ đọc sách tôi ít nhiều cũng có sự tự tin để không quá lóng ngóng ngay ngày đầu chăm con. Tính tôi cẩn thận nên còn tổng hợp danh sách những điều nên làm và không nên làm rồi gửi cho các thành viên trong gia đình, thậm chí có các buổi trao đổi để xin ý kiến, chia sẻ quyết định về các cách mà tôi đã chọn để nuôi con.
Điều khó nhất trong việc chăm con là làm sao cân bằng được giữa khoa học và những mẹo dân gian. Người Việt rất quan tâm đến nhau nên hay cho những lời khuyên, kể cả người chưa bao giờ sinh con cũng có lời khuyên về cách chăm con. Tôi nghĩ nếu mình chưa đọc gì thì sẽ nghe hết những lời khuyên đó và bị "tẩu hoả nhập ma", nhưng cũng may là cả gia đình tôi khá đồng thuận trong cách chăm con theo khoa học.
- Ông xã hỗ trợ chị trông nom con ra sao?
- Chồng tôi chăm con rất khéo. Vào tuần đầu tiên khi tôi chưa bế được con do vết mổ chưa lành, chỉ có anh và mẹ tôi có thể dỗ bé hết khóc và ru bé ngủ. Anh xin nghỉ làm thời gian đầu để san sẻ công việc chăm con cùng vợ. Vào ban đêm khi không còn ai hỗ trợ, hai vợ chồng tôi thay nhau dỗ con. Có đêm tôi buồn ngủ quá, chồng bế con xuống nhà mấy tiếng đồng hồ để tôi có được giấc ngủ ngon. Sẽ rất khó để tôi vượt qua những tuần đầu tiên nếu không có sự giúp đỡ của chồng. Mấy hôm trước, anh ấy được khen là "số 1" vì làm hết việc cho vợ (cười lớn).
- Chị từng bị sảy thai cách đây 3 năm và mất rất nhiều thời gian để lấy lại tinh thần, rèn luyện sức khỏe. Khi có bầu lần nữa, chị tránh những điều gì để thai nhi phát triển tốt?
- Giai đoạn mang bầu quả thật rất khó khăn và dài. Tôi nghỉ làm để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân. Sau lần sảy thai không biết nguyên nhân cách đây gần 3 năm, cả gia đình đều yêu cầu tôi cần phải nhẹ nhàng và nghỉ ngơi. Tôi cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của gia đình, bạn bè nên cũng khá ổn định về tinh thần, không trở nên quá nhạy cảm. Tuy nhiên vì quá nghén nên thời gian dài tôi hầu như không dám ra đường hay nấu nướng trong nhà. Gần đây tôi có chia sẻ trên trang cá nhân rằng tôi rất thán phục các mẹ bầu giữ vững được tinh thần tích cực trong thời gian thai nghén, không kêu ca phàn nàn, vẫn đi làm và chăm sóc cho gia đình của mình. Đúng là chỉ khi trải qua mới hiểu được những hy sinh và nhọc nhằn trong thời kỳ dễ tổn thương nhất của người phụ nữ.
Với tôi, sức khoẻ thời kỳ bầu bí như phong thuỷ trong nhà vậy, phải làm sao cho mình cảm thấy thoải mái và tự tin nhất, không nhất thiết phải quá tin theo, hoặc kiêng khem những gì dù người khác đều làm như vậy. Tôi quyết định tìm hiểu về khía cạnh khoa học rồi đưa ra quyết định. Ví dụ kiêng ăn đu đủ không phải vì sợ "thai trượt ra", mà do đu đủ có chất nhựa có thể gây co thắt cho phụ nữ mang bầu. Tôi nghĩ cần phải hiểu nguyên nhân đằng sau, nếu không cuối cùng sẽ kiêng quá nhiều và thậm chí còn kiêng sai thứ.
- Trong thời gian nghỉ chăm con nhỏ, chị sắp xếp công việc thế nào?
- Hy sinh lớn nhất là tôi phải nghỉ làm hoàn toàn trong thời gian mang thai và sau sinh. Tôi vốn rất yêu công việc và hoạt động xã hội, nên khi bị bó chân nằm nhà thực sự rất khó chịu. Tuy nhiên, mọi hy sinh hoàn toàn xứng đáng khi nhìn con và được ôm con vào lòng, hay nhìn nụ cười nở trên môi các thành viên trong gia đình khi đón đứa cháu đầu tiên ra đời.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.