Tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời gày 9/12 khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng, tiếc thương. Ngay sau khi biết tin, đã có rất đông người dân tìm đến Trung tâm pháp y TP.HCM - nơi lưu giữ và bảo quản thi hài nghệ sĩ - để mong được nhìn thấy thần tượng của mình lần cuối.

Tuy nhiên, trong lúc gia đình, nghệ sĩ đang chịu nỗi đau mất mát lớn, nhiều người trong đám đông tập trung trước Trung tâm pháp y đã chuẩn bị sẵn điện thoại, máy quay phim để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Chỉ cần nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện là họ ùa đến... Không chỉ dân thường, thậm chí cả người nổi tiếng còn livestream những hình ảnh cuối của danh hài Chí Tài tại phòng lưu giữ.

Mặc dù Hiếu Hiền đã xóa bỏ đoạn video livestream trên trang cá nhân nhưng clip này đã phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.

Như trường hợp của nam diễn viên Hiếu Hiền, giữa lúc khán giả và hàng loạt nghệ sĩ chưa khỏi bàng hoàng trước tin danh hài Chí Tài qua đời, Hiếu Hiền lại đăng tải đoạn video livestream với tựa đề: "Nghệ sĩ Chí Tài trong nhà xác".

Ngay sau khi đăng tải, hành động này lập tức bị chỉ trích, gây phẫn nộ, là vô cảm, thiếu tôn trọng với người đã khuất. Trước làn sóng chỉ trích Hiếu Hiền phải xóa bài đăng và lên tiếng xin lỗi vì thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, dù đã xóa nhưng clip cũng đã phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, dân mạng có thể dễ dàng tìm được rất nhiều bài đăng chia sẻ lại đoạn video này.

Những thông tin cập nhật xung quanh cố nghệ sĩ Chí Tài hiện cũng đang xuất hiện nhan nhản trên các trang Facebook, Instagram hay Youtube... cho thấy có một bộ phận đang lợi dụng đám tang của người nổi tiếng để câu view, câu like phản cảm.

Đám đông vây kín ai cũng cầm máy chụp ảnh, quay video ở Trung tâm pháp y TPHCM nơi thi hài cố nghệ sĩ Chí Tài đang được bảo quản. Ảnh: Zing.

Đây không phải lần đầu diễn ra sự việc một số tài khoản mạng xã hội chụp ảnh, quay video, livestream các hình ảnh tại các sự kiện hiếu, hỷ của người nổi tiếng để câu views. Trước đó, vào khoảng tháng 4/2019, trong đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, đã có một lực lượng streamer, YouTuber đông đảo, trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc xuất hiện, lợi dụng livestream, chụp ảnh gây náo loạn trước cửa chùa.

Phía người nhà nghệ sĩ Anh Vũ cho biết, khi họ mở cửa để khách viếng thì có một đội ngũ ào vô livestream, chụp ảnh, đứng che hết cả thân nhân, dí máy điện thoại vào các góc để quay khiến không khí rất ồn ào, mất trật tự. 

Chưa hết, họ còn đến từng bàn hỏi các nghệ sĩ đến viếng khiến ai nấy đều cảm thấy bị làm phiền. Nhiều người còn ngồi tràn lan chiếm chỗ của khách đến dự với lí do là người hâm mộ của cố nghệ sĩ.

Điều này cũng khiến gia đình nghệ sĩ bối rối và khó xử bởi những gì đang diễn ra khiến bầu không khí tang lễ ồn ào và không trang nghiêm.

Đua nhau livestream ở đám tang Anh Vũ - Ảnh: Facebook.

Vào thời điểm tháng 3/2020, ngay sau khi thông tin nữ diễn viên Mai Phương qua đời, trên Youtube đã tràn lan các đoạn video được đăng tải với tiêu đề "Trực tiếp đám tang diễn viên Mai Phương".

Trên thực tế, đây là các clip cắt ghép giả mạo bởi thời điểm đó nước ta đang có diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên đám tang được tổ chức kín đáo, hạn chế người đến.

YouTube tràn ngập video giả livestream đám tang Mai Phương khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ.

Để gây tò mò, hiếu kì cho cộng động mạng, có người sẵn sàng bất chấp lấy cả những hình ảnh của các đám tang khác để dựng và giật tít "trực tiếp đám tang" để hút nhiều người xem.

Mới đây, chia sẻ trên Người đưa tin về hành vi livestream tại nơi quàn thi thể NS Chí Tài, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Nếu đối tượng nào lợi dụng sự việc đau lòng, tang thương này để đánh bóng tên tuổi, đưa thông tin sai sự thật, hoặc có thái độ xúc phạm với người đã mất và gia đình họ, thì đây là những hành động đáng lên án, cần phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Trường hợp đưa thông tin, hình ảnh mà không được gia đình nghệ sĩ đồng ý, thì phải gửi lời xin lỗi công khai và phải bồi thường thiệt hại, đồng thời phải chịu áp dụng chế tài hành chính. Nếu hành vi vi phạm quyền tự do cá nhân hoặc có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ở mức độ nghiêm trọng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dẫn Luật An ninh mạng, vị luật sự khẳng định: "Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp nếu việc thu thập sử dụng thông tin trái phép của cá nhân, nếu bị khiếu kiện sẽ có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 và Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP"