Nhập viện vì điều hoà

Mới đây, một bà mẹ tại Hà Nội đã chia sẻ lại câu chuyện của chính con gái chị là nạn nhân của việc lạm dụng điều hoà. Theo bà mẹ chia sẻ, nghỉ hè chị cho con về quê chơi. Vì ở quê quá nắng nên chị thường bật điều hoà cho bé ở trong phòng. Trước cái nóng 39 – 40 độ C, bé đã bị sốc nhiệt khi từ phòng điều hoà ra ngoài.

Thấy con hay nháy mắt vào méo miệng, chị đưa con đi khám nhưng ở bệnh viện tỉnh không rõ nguyên nhân nên giới thiệu lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bác sĩ phải gây mê cho bé để chụp MRI tìm nguyên nhân và kết quả bé bị viêm dây thần kinh số 7.

Khi vào Bệnh viện Nhi trung ương, bà mẹ này thấy có nhiều bé cũng bị ốm vì điều hoà nên đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội để không ai rơi vào hoàn cảnh như mình. Sử dụng điều hoà tốt nhưng nên sử dụng như thế nào để không trở thành bệnh nhân trong phòng lạnh. Đó là mong muốn của bà mẹ trẻ này.

Không riêng gì trẻ nhỏ, người lớn nhiều người cũng phát ốm vì điều hoà. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) bị viêm amidan nặng nuốt gì cũng đau, hít sâu cũng đau. Chị Yến cho biết bình thường chị rất ít dùng điều hoà vì chị hay bị chảy nước mũi, đau họng do điều hoà. Nhưng tuần qua nóng nắng cả tuần, các con nghỉ hè nên ở nhà đứa nào cũng đòi mẹ bật điều hoà.

Cách sử dụng điều hoà nhiệt độ an toàn - Ảnh minh họa: Internet

Cả tuần ở phòng lạnh và kết quả chị Yên bị viêm họng, viêm amidan đến phát sốt. Đi khám bệnh bác sĩ cho biết chị bị viêm họng cấp. Chị Yến phải uống thuốc kháng sinh nhưng 3 ngày qua cảm giác đau họng, nuốt nước bọt hay chỉ cần hít sâu cũng đau.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Vũ Thị Hà (34 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bế con 13 tháng tuổi vào Bệnh viện khám vì bé bị sốt viêm phổi. Chị Hà cho biết mấy ngày nắng nóng quá nên chị cho bé ở trong phòng điều hoà 24/24.

Chị cứ nghĩ mát mẻ cho con chơi ai dè bé bị cảm lạnh hay quấy khóc, bỏ ăn và ho khò khè. Chị cho con đi khám bác sĩ cho biết bé bị viêm phế quản và uống thuốc nhưng 2 ngày sau tình trạng sốt cao kèm theo li bì. Chị cho con vào viện khám, bác sĩ nghe phổi yêu cầu nhập viện ngay vì viêm phổi. Con chị cũng là nạn nhân của việc sử dụng điều hòa sai cách. 

Sử dụng điều hòa đúng cách trong thời tiết nắng nóng

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết nhiều trẻ được bố mẹ đưa đến khám trong tình trạng nóng lạnh thất thường và do điều hoà là chủ yếu. Bác sĩ Dũng cho biết bố mẹ thấy con mồ hôi trộm tưởng con nóng càng cho nhiệt độ thấp nhưng họ không biết rằng thân nhiệt của trẻ khác của người lớn.

Để sử dụng điều hòa đúng cách, an toàn, theo bác sĩ Dũng tốt nhất nên để nhiệt độ từ 26 đến 30 độ C. Khi sử dụng điều hoà cần sử dụng thêm thông gió để trao đổi không khí.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng - Ảnh: Internet

Bác sĩ Dũng thông tin việc đặt điều hoà hay vị trí điều hoà cũng rất quan trọng. Không nên để điều hoà thổi trực tiếp vào người. Trước khi bước ra khỏi phòng điều hoà, cần có khoảng thời gian để thay đổi với nhiệt độ bên ngoài nhằm tránh sốc nhiệt.

Với trẻ sơ sinh non tháng, nên đặt điều hoà ở nhiệt độ 30 độ C. Trẻ sơ sinh đủ tháng có thể giảm xuống 29 độ C. Với trẻ lớn hơn có thể hạ xuống 26 độ C nhưng cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên để điều chỉnh cho thích hợp.

Với phụ nữ mang thai, nhiệt độ phòng điều hòa an toàn là ở mức 26 - 28 độ C. Khi ngủ dưới điều hòa cần mặc áo kín cổ, mang vớ chân, dùng chăn đắp từ phần ngực trở xuống để không bị nhiễm lạnh.

"Không nên bật điều hoà 24/24, khuyên khi ra khỏi phòng nên tắt điều hoà khoảng 2h và mở cửa to để không khí lưu thông vào trong phòng và cũng để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới", bác sĩ Dũng khuyên.

Về ban đêm, nằm ngủ máy lạnh cần chú ý nguy cơ nhiễm lạnh vì cơ thể thiếu sự vận động dễ cảm lạnh. Không nên ngồi thẳng điều hoà khi vừa tắm xong hoặc uống bia rượu nhiều.