Một hôm, Ðức Phật cùng đệ tử A Nan vào thuyết pháp trong thành La Duyệt Kỳ, lúc ra về thì gặp một người đàn ông đang lùa một bầy bò vừa ăn no về, chúng nhảy nhót tung tăng vui nhộn, có những con cao hứng lại còn lao vào húc nhau nữa…  

Thấy vậy,Ðức Phậtthở dài nói:

“Người đi chăn đưa roi và chăn lùa bầy bò, cũng giống như già chết chăn nuôi và lùa kéo sinh mạng con người đi mà nào ai có biết! Xưa nay, hàng trăm hàng ngàn người chứ không phải một, chứa chất của cải cho lắm, cung dưỡng thân thể cho nhiều, nhưng rồi không ai thoát khỏi cảnh điêu tàn và chết chóc.


Sống nghĩa là ngày đêm sinh mạng bị công kích, bị tước dần, cho nên sự sống bị tiêu mòn đi cũng giống như bờ đất bị nước xói lở vậy”.

Lúc về Tịnh xá, tôn giả A Nan bạch hỏi đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trên đường về Ðức Phật có nói ba bài tụng nhưng chúng con không hiểu hết ý nghĩa, xin Thế Tôn từ bi chỉ giáo cho.

Đức Phật hỏi:

– A Nan! Trên đường về vừa rồi con có trông thấy người đàn ông lùa bầy bò không?

Tôn giả A Nan thưa:

 – Bạch Thế Tôn, có ạ!

Đức Phật lại nói:

– Người ấy vốn là một đồ tể. Bò của anh ta có đến ba ngàn con, cứ ngày ngày lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tốt cho ăn rồi lựa con nào to béo thì làm thịt để bán. Đồng loại trong đàn bị giết quá nửa rồi mà những con bò ấy không con nào biết số phận của mình ra sao cả. Chúng vẫn thản nhiên vui vẻ, nhảy nhót kêu rống, ăn chơi và thậm chí còn húc nhau nữa… Ta cảm thương chúng nó nên mới nói mấy lời như trên.

Nhưng A Nan này! Có phải riêng chỉ người chăn bò và đàn bò ấy mới như thế đâu, nhân loại cũng có lắm người vùi mình trong hoàn cảnh tương tự như thế. Họ chấp trước vào cái “Tôi” – bản ngã, mà không biết bản ngã chỉ là sự chuyển biến và luân hồi liên tiếp. Vì thế, họ tham lam dục lạc, cung dưỡng xác thân, rồi sung sướng khoái chí họ tranh tranh đoạt đoạt, đấu đấu đá đá, sát hại lẫn nhau, “húc” chết cơ nghiệp và thậm chí là sự sống của nhau mà không biết là mình đang húc nhau với cái chết! Trong khi đó, bên cạnh sự sống là vô thường chết chóc mau lẹ tiến đến, thế mà họ vẫn ngang nhiên không hay không biết. Ài!… chính là làm ta lại nhớ đến tình cảnh của người đồ tể và bầy bò kia vậy!

Cứu cánh của Phật giáo là sự Giác Ngộ, phương tiện giúp đạt được Giác Ngộ là Trí Tuệ, và đối nghịch với Trí Tuệ là Vô Minh. Vậy muốn đạt được Giác Ngộ thì phải loại trừ Vô Minh. Vô Minh mang lại khổ đau và Giác ngộ thì mang lại sự Giải Thoát. Trí Tuệ là liều thuốc để hóa giải Vô Minh tức để loại bỏ khổ đau. Chính vì thế mà vô minh là một khái niệm vô cùng quan trọng trong giáo lý nhà Phật bởi lẽ nếu không hiểu được vô minh là gì thì quả thật là khó mà loại bỏ được nó. Vô minh được kinh sách đề cập trong ba trường hợp khác nhau:

- Vô minh là nọc độc thứ nhất trong số ba nọc độc gọi là Tam Độc: đấy là sự đần độn hay u mê (moha - si mê); sự thèm khát và bám víu (raga - tham lam) và hận thù (krodha - sân hận). U mê (moha - ignorance - si mê) sẽ đưa đến những hành động ngu đần và sai lầm, mang lại những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức.

- Vô minh (avidya/avijja) là "nút thắt" hay cái "khoen" đầu tiên trong số mười hai "nút thắt" của chuỗi dài lôi kéo và tương tác gọi là "Thập nhị nhân duyên", trói buộc chúng sinh trong thế giới luân hồi. Cái nút thắt đầu tiên ấy còn được gọi là vô minh nguyên thủy (sahajavidya), tức sự kiện không hiểu biết về Tứ Diệu Đế, về quy luật nguyên nhân hậu quả (nghiệp) và không ý thức được sự hiện hữu trói buộc của chính mình.

- Vô minh mang ý nghĩa của sự lầm lẫn, thiếu sáng suốt (ditthi, wrong views - tà kiến) nghĩa là không nhìn thấy bản chất của mọi vật thể, tức phương thức hiện hữu đích thật của con người và mọi hiện tượng.

Gạt bỏ mọi ảo giác là để nhìn thấy bản chất trống không của hiện thực, và cái bản chất ấy không phải là hư vô. Gạt bỏ mọi ảo giác cũng không phải là xóa bỏ hiện thực mà đấy chỉ là một cách "dừng lại" với hiện thực, một sự đình chỉ (nirodha - cessation) để "hòa mình" với hiện thực. Cái tánh không của hiện thực tượng trưng bởi sự đình chỉ thật ra đầy ắp và "thật sâu thẳm, không thăm dò được, mênh mông như đại dương".