Đang học THPT, nhưng có ý định đi du học trong thời gian tới, Phạm Xuân Bách (18 tuổi, ở Bắc Giang) đã đến Hà Nội để kiểm tra sức khỏe. Tại bệnh viện, Bách được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết dành cho người đi du học. Ngoài ra, bệnh nhân còn được tư vấn nên làm thêm các xét nghiệm tiền hôn nhân nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản.

Bách cho biết, bản thân chưa có người yêu, chưa từng quan hệ tình dục, nhưng cũng muốn kiểm tra luôn sức khỏe sinh sản. Kết quả khiến không chỉ Bách mà người thân đều bất ngờ khi xét nghiệm tinh dịch đồ không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch (vô tinh).

Khai thác tiền sử, Bách cho biết bản thân hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh quai bị hay có tổn thương gì ở vùng sinh dục. Khám toàn thân các chỉ số sinh tồn bình thường, khám nam khoa, siêu âm tinh hoàn kích thước và thể tích tinh hoàn 2 bên bình thường. Tuy nhiên, khi xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bất thường về nội tiết và gen, và đó cũng chính là nguyên nhân gây vô tinh.

Nam bệnh nhân bàng hoàng khi biết mình không có khả năng làm bố. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng (Bệnh viện Medlatec), người trực tiếp khám và tư vấn cho bệnh nhân cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng không có tinh trùng ở nam giới như do tắc nghẽn, xuất tinh ngược dòng, hoặc thuốc bổ sung testortone, steroid đồng hóa... Các trường hợp này cần xác định chính xác nguyên nhân, sau đó tùy tình trạng mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Trường hợp nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch có thể tìm tinh trùng ở ống sinh tinh, mào tinh, tinh hoàn và thực hiện IUI/IVF. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp rất hiếm không tìm thấy tinh trùng trong ống sinh tinh, mào tinh, hoặc tinh hoàn và lúc này phải xin tinh trùng. Bệnh nhân này là một trong số những trường hợp hiếm đó.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Phượng khuyến cáo, các bạn trẻ dù chưa lập gia đình cũng nên đi khám tiền hôn nhân trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng, được xem như “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa hạnh phúc hôn nhân trọn vẹn, bền lâu.

Bác sĩ đang tư vấn tiền hôn nhân cho một cô gái trẻ. Ảnh: BSCC.

Thực tế hiện nay, vấn đề khám tiền hôn nhân vẫn chưa được các cặp đôi trẻ chú ý. Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết nhận thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân còn rất thấp, điều đó được thể hiện qua việc có rất ít cặp đôi đến khám tiền hôn nhân. Trung bình mỗi tháng tại Bệnh viện Hùng Vương chỉ tiếp nhận vài chục cặp đến khám, trong khi rất nhiều người trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Bà Diễm Tuyết lấy ví dụ dẫn chứng qua khám sức khỏe trước khi kết hôn cho 154 cặp đôi nam nữ từ Thành đoàn TP.HCM gửi sang, với độ tuổi trung bình là nam 27 tuổi, nữ 26 tuổi - lứa tuổi phù hợp để sinh đẻ. Kết quả cho thấy, có 4% các thanh niên tham gia khám bị nhiễm viêm gan siêu vi B và có đến 66% nam giới có tinh trùng bất thường. Trong số 66% này, có 51,4% ở thể nhẹ, 21,9% ở thể trung bình, 25,7% ở thể nặng và 0,9% không có tinh trùng.

Với nhóm nữ, có 6,5% số người khám mắc bệnh đái tháo đường, 6,5% phát hiện viêm gan siêu vi B, 21% bị thiếu máu, 4,6% bị u xơ tử cung (ở mức theo dõi), 2,6% polyp lòng tử cung, 1,3% có u bì buồng trứng và 3,2% giảm dự trữ buồng trứng.

Bà Tuyết cho biết dù kết quả thăm khám này không đại diện cho tất cả, song cũng là một hồi chuông cảnh báo để chúng ta quan tâm hơn tới khám tiền hôn nhân. Theo bà, cần nâng cao nhận thức người dân, nhất là giới trẻ về việc quan hệ tình dục an toàn, khám tiền hôn nhân trước khi kết hôn.

Đối với các cặp vợ chồng, để tăng cơ hội có con sớm tự nhiên, các chuyên gia lưu ý các biện pháp sau:

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý;

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên;

- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh;

- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tránh dùng thuốc kích thích, giảm lo âu, căng thẳng... (đối với chồng);

- Theo dõi kỳ kinh nguyệt (đối với vợ);

- Đi kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ tại cơ sở uy tín.

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Tin liên quan