Bệnh về đường hô hấp

Mùa nắng nóng thường gặp rất nhiều trường hợp viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa… Nắng nóng khiến chúng ta luôn bật điều hòa nhiệt độ thấp hoặc uống nước lạnh liên tục là nguyên nhân chính gây ra bệnh.

Viêm họng là bệnh thường gặp mùa nắng nóng - Ảnh minh họa: Internet

Say nắng, say nóng

Những người thường xuyên làm việc dưới trời nắng nóng hoặc trẻ em chơi ngoài trời nắng, tắm biển khi nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc những người làm việc trong hầm lò, đứng máy… rất dễ mắc bệnh say nắng, say nóng.

Say nắng xảy ra do bản thân trung tâm điều hòa thân nhiệt của con người bị chấn động, bị tấn công vì tia nắng chiếu thẳng vào gáy. Còn say nóng là do trung tâm điều hòa nhiệt của con người không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh.

Ngộ độc thực phẩm

Uống các loại nước giải khát, ăn kem không hợp vệ sinh, không ăn chín uống sôi, ăn rau sống, hoặc thực phẩm chưa nấu chín (như nem chua, nem chạo, tiết canh…) có thể khiến chúng ta mắc bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm.

Nguyên nhân do vi khuẩn E.coli, trùng kết lỵ, đặc biệt là vi khuẩn tả hoặc liên cầu lợn gây ra. Triệu chứng điển hình là đau bụng, buồn nôn, nôn, đại tiện phân lỏng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể rối loạn điện giải, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.

Bệnh lây nhiễm  

Mùa nắng nóng tạo điều kiện cho một số côn trùng phát triển như ruồi, muỗi, nhặng – những loại côn trùng rất nguy hiểm trong việc truyền bệnh đối với con người.

Ví dụ: Do nắng nóng, một số người lười mắc màn. Hậu quả là có thể mắc một số bệnh như sốt xuất huyết hoặc viêm não Nhật Bản.

Sốt xuất huyết phát triển mạnh mùa nắng nóng - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh về da

Mùa nắng nóng cũng có thể xảy ra nhiều bệnh về da như ghẻ, nấm kẽ, trứng cá… Một số trẻ nhỏ bụ bẫm nếu vệ sinh da không sạch sẽ có thể mắc các bệnh do hăm kẽ ở cổ, nách, bẹn, khoeo chân. Một số thanh thiếu niên, nhất là ở tuổi dậy thì có thể mắc bệnh trứng cá hoặc trứng cá tái phát vào mùa nắng nóng.

Cách phòng bệnh

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm là những việc hết sức quan trọng.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh say nắng luôn luôn được đề phòng không ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức. Không tắm biển hoặc sông suối vào lúc còn nắng gắt.

Cần có bảo hộ lao động tốt như nơi làm việc trong hầm lò, nhà máy, nơi tập trung đông người luôn đảm bảo thông gió.

Uống nước đầy đủ mỗi ngày, tối thiểu 8 cốc/ngày. Ngoài ra cần tăng cường uống nước hoa quả như dừa, dưa hấu…

Uống đủ nước mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Khi ra đường vào những ngày nắng nóng, bạn cần trang bị mũ nón, quần áo chống nắng.

Không uống nước chưa được đun sôi, không nên ăn uống các loại nước giải khát bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh.

Không ăn rau sống, không nên ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín như nem chua, gỏi sống.

Cần bảo vệ da không để da bẩn. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hàng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt (cơ thể trẻ ẩm ướt dễ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển).

Mùa nắng nóng cần tích cực diệt muỗi, diệt bọ gậy. Nằm màn khi đi ngủ.