1. Biểu hiện:

- Mụn đầu trắng: Loại mụn có nhân mụn màu trắng bên trong, nhân mụn có dạng mủ.

- Mụn đầu đen: Mụn hình thành trên bề mặt da với phần nhân mụn thâm sạm, tạo cồi mụn đen bên trên.

- Mụn viêm: Mụn viêm thường gây sưng tấy, mẩn đỏ và ngứa, đau nhức. Khi bị mụn viêm trên lưng thường sẽ không xuất hiện nhân mụn rõ ràng nên người bệnh sẽ rất khó có thể quan sát.

- Mụn bọc: Nổi mụn sau lưng ở mức độ nặng nhất là các dạng mụn bọc với biểu hiện là những nốt đỏ hoặc vết sưng nhỏ. Khi phát triển sẽ dần trở thành những nốt đỏ lớn, cứng và sưng tấy, gây đau nhức khó chịu.

 

2. Nguyên nhân:

- Do bất thường phần trên của nang lông (rối loạn chuyển hóa của lớp tế bào sừng ở cổ nang lông). Bệnh có tính chất di truyền - kiểu di truyền trội nhiễm sắc thể thường. 

- Do sự tăng giảm nội tiết tố trong cơ thể. 

- Do cơ địa da dầu nhờn: Khi cơ chế hoạt động và điều tiết dầu nhờn của da diễn ra quá mạnh mẽ sẽ làm cho lượng bã nhờn tồn đọng trên bề mặt da. 

- Do vệ sinh da: Vệ sinh vùng da lưng chưa đúng cách, như không tẩy da chết vùng lưng, sữa tắm còn đọng lại trên da, hay đặc biệt là sau khi ra mồ hôi (do chơi thể thao, đi dưới trời nắng nóng, làm việc nặng,…), điều này sẽ vô tình tạo môi trường ẩm thấp khiến mụn dễ xuất hiện hơn. 

- Do quần áo: Mặc quần áo ôm sát, chất liệu vải thô và không thoáng khí sẽ khiến bị bí hơi sinh ra mồ hôi, làm tình trạng mụn càng trở nên trầm trọng.

- Do mỹ phẩm: Loại kem dưỡng toàn thân mà bạn sử dụng cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông gây mụn.

- Do thực phẩm: Ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, ngọt, cay nóng hay sử dụng chất kích thích, rượu bia cũng chính là nguyên nhân gây nên mụn lưng. 

3. Có thể điều trị mụn lưng theo những cách nào?

Một lưu ý đặc biệt đối với da bị mụn nói chung và mụn lưng nói riêng, người bệnh không nên chà sát vùng da mụn, không tự ý nặn mụn, tránh làm các ổ viêm bị vỡ gây lây lan ra các vùng da khác. Đối với các trường hợp mụn lấm tấm nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng việc tẩy da chết cho da 2 – 3 lần/ tuần, kết hợp sử dụng các loại sữa tắm, xà bông chuyên dụng cho mụn lưng có chứa các thành phần như AHA, Benzoyl Peroxide, Salicylic Acid, Sulfur,… Tuy nhiên, với các loại mụn lưng thể nặng, nhiều nốt sưng viêm, gây đau và khó chịu, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu để được Bác sĩ thăm khám, tư vấn. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây mụn và có thể kê toa thuốc uống, thuốc bôi hoặc các kỹ thuật như chiếu laser,... để hỗ trợ bạn điều trị dứt điểm mụn lưng.

 

4. Phòng ngừa mụn lưng tại nhà

- Tẩy da chết 2 – 3 lần/ tuần, không sử dụng các loại sữa tắm có quá nhiều hương liệu, chất tạo ẩm.Tắm rửa hàng ngày, đặc biệt sau các hoạt động khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi.

- Duy trì thói quen giữ da luôn sạch sẽ, khô thoáng.Không nên để da quá khô, sử dụng loại kem dưỡng ẩm phù hợp, thấm nhanh và không gây bí da. 

- Chọn quần áo có vải mềm, thoáng khí, thấm mồ hôi, tránh các trang phục bó sát. 

- Định kỳ thay vỏ chăn, ga, gối.Giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, sử dụng nguồn nước sạch.

- Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh: Không ăn đồ cay, nóng, quá ngọt hay quá mặn, không hút thuốc lá, uống rượu bia,...