Hôn nhân cần phải được xây dựng dựa trên nền móng vững chắc là tình yêu song để xây dựng được một tổ ấm thực sự thì cần nhiều yếu tố hơn thế. Quyết định nắm tay người đàn ông mình yêu đi tiếp chặng đường đồng nghĩa với việc phụ nữ chấp nhận bước sang một cuộc sống mới nhiều những lo toan hơn, với người sống chung cùng gia đình chồng thì cuộc sống có phần phức tạp hơn. 

Nàng dâu với nhà chồng, từ những người không quen biết nay bỗng trở thành người thân, từ hai nếp nhà với sự khác biệt về cách sống, suy nghĩ nay tụ về dưới một mái ấm. Chính những sự khác biệt này đã khiến nảy sinh khoảng cách không nhỏ trong mối quan hệ này. Người có thể đứng giữa dung hòa mối quan hệ này không ai khác chính là người chồng, song không phải ai cũng may mắn có được người chồng hiểu và thông cảm với vợ. 

Mới đây, một người thợ thi công nội thất đã chia sẻ câu chuyện mình biết được trong một lần đi thi công nhà. Vợ chồng chủ nhà mới lấy nhau được 3 năm, sống chung với bố mẹ chồng khá trẻ. Từ ngày về làm dâu, chị luôn cố gắng để hòa hợp với nhà chồng song điều khiến chị thất vọng nhất chính là suy nghĩ của người đàn ông hàng đêm mình vẫn đầu ấp tay gối.

"Vợ chồng chị lấy nhau được 3 năm, may phước thế nào lại liền tù tì 2 đứa con san sát nhau. Chị bảo chị mắn quá. Hồi chị mới về, hôm đầu tiên, chị nộp ngay tiền vàng sang cho mẹ chồng. Từ đó đến nay chưa lần nào có dịp hội ngộ.

Sau này chị đẻ, bố mẹ chồng chị mới ngoài 45 nhưng cứ than sắp chết nên chị chẳng dám nhờ trông con hộ. Chưa mãn lịch nghỉ đẻ chị đã phải gửi con mà đi làm vì mẹ chồng chửi chị ăn bám. Nhưng đến giờ cô em chồng có con thì lại bắt chị vừa cơm nước nhà cửa con cái lại thêm bưng bô rửa cho em chồng và con cô ấy. Đấy là còn chưa kể thỉnh thoảng ông em rể sang vạ vật vài hôm, lại phải sấp ngửa cơm nước hầu hạ phục dịch thêm cả cậu đấy.

Vừa tức vừa mệt, chị mới đình công, nói chuyện với chồng thì tốt phước ông chồng lại như này đây. Mình tiếp xúc với khói nhang nhiều mà còn chưa thấy cay mắt bằng câu chuyện đời chị. Ngẫm phụ nữ khổ quá!". 

Những câu chữ trong dòng tâm sự khiến không ít chị em như thấy chính mình trong đó. Nàng dâu này sinh 2 con liền trong 3 năm, một tay nuôi dạy con mà không dám nhờ bố mẹ chồng vì ông bà nói sức khỏe không đảm bảo. Ấy thế nhưng khi người em chồng vừa đẻ, chị lại phải kiêm thêm cả việc chăm em chồng và cháu chồng. Xót xa nhất là khi đọc dòng tin nhắn của chồng gửi, những lời lẽ khiến người làm dâu không khỏi cay mắt. 

"Có ai đi làm dâu mà không muốn coi nhà chồng như gia đình ruột thịt của mình đâu. Thế nhưng cái gì cũng phải đúng thì thôi. Vì sao chị vợ này một tay chăm 2 đứa con rồi giờ lại còn phải hầu thêm em chồng? Đáng buồn là cái sự vô lý này lại tồn tại ở khá nhiều gia đình". 

"Chị họ mình đúng hoàn cảnh này luôn. Bố mẹ chồng về nghỉ hưu, khỏe mạnh cả nhưng nhất định không chăm cháu nội. Đến khi có cháu ngoại thì nhất định phải xin nhà thông gia cho con ở ngoại cả năm trời. Con dâu thì làm đủ thứ việc cơ quan, về nhà lại cơm nước chăm con, cuối tuần bế cả cháu. Mình nhìn thôi đã chẳng hiểu sao họ có thể làm được". 

"Đàn ông nhiều người hay ghê, bản thân coi nhà vợ chẳng ra gì nhưng lại muốn vợ phải đội nhà chồng lên đâu. Vậy thử hỏi ai sinh ra vợ anh? Các anh có suy nghĩ vậy thì em gái anh đi lấy chồng gia đình họ sẽ coi bố mẹ anh là gì?".

Ảnh minh họa. 

Ngẫm thấy những khác biệt hay thậm chí là xung đột trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là khó tránh khỏi. Bản chất của sự mâu thuẫn này là do đôi bên có những luồng tư duy, suy nghĩ hay cách làm khác nhau, khiến đối phương không hài lòng. Chính vì vậy, người chồng hãy là người ở giữa để hài hòa mối quan hệ này, đừng khiến người phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời để bên anh phải rơi thêm nhiều nước mắt.