Minh bạch tài chính trước khi kết hôn: Nên không?
Mỗi nhà mỗi cảnh
Cặp uyên ương Quỳnh Nhi – Đức Bảo (ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh) kết hôn được gần 2 năm nhưng giữa vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, xung đột về vấn đề chi tiêu gia đình. Một trong những nguyên nhân là cả hai hầu như không đề cập đến vấn đề quản lý, thu chi một cách rõ ràng trước khi kết hôn.
“Mình thấy chưa lấy nhau mà đã nói chuyện tiền bạc rành mạch quá có thể không hay. Nên sau khi kết hôn, hai vợ chồng cứ kiếm được tiền thì tiêu. Thu nhập lúc đó của cả hai đều khá tốt nên không đặt nặng vấn đề ai chi trả cái gì. Vợ chồng cũng chưa từng ngồi lại với nhau để bàn bạc, lên kế hoạch thu chi vì nghĩ là không cần thiết, thời gian đó để cho công việc hoặc giải trí sau giờ làm thì phù hợp hơn”, Quỳnh Nhi kể.
Thế nhưng, dịch bệnh ập đến khiến công việc của cả hai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập của vợ chồng bị giảm hơn 50% trong hai năm trở lại đây. Đồng thời, khi sinh bé đầu tiên, hàng loạt chi phí bắt đầu phát sinh. Đến lúc này, cả hai mới bắt đầu tìm cách thống nhất quỹ chung cho gia đình nhưng mâu thuẫn bắt đầu lộ rõ, đặc biệt với những khoản chi nhạy cảm như quà biếu sếp, chi tiêu cho nội ngoại hai bên.
Không ít lần cặp vợ chồng trẻ cãi vã khi chồng hoặc vợ tự trích thu nhập để dàn xếp công việc riêng, khiến việc đóng góp vào quỹ chung không được đảm bảo.
Với gia đình Minh Trí và Đỗ Quyên (ở quận Đống Đa, TP. Hà Nội) thì có sự thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về tài chính gia đình từ trước khi kết hôn. Theo đó, Minh Trí lo liệu các chi phí lớn trong gia đình như: Tiền thuê nhà, học phí của các con, điện, nước, Internet, truyền hình cáp... Còn tiền lương của vợ sẽ được dùng vào chuyện cơm nước, chăm sóc sức khỏe, giải trí cho cả nhà.
Ngoài ra, cả hai cùng trích ra số tiền nhất định để thực hiện kế hoạch mua nhà, cũng như đầu tư cho chuyện học hành, nghề nghiệp của con cái sau này.
“Thu nhập của vợ chồng cũng có khi bị ảnh hưởng, khi thì do dịch bệnh, khi thì do công việc kinh doanh không thuận lợi. Tuy nhiên cả hai cũng biết liệu cơm gắp mắm để đáp ứng các chi tiêu trong nhà, tiết kiệm hay đầu tư cho con cái. Mỗi người đều có vai trò trong vấn đề tài chính của gia đình nên không có cảnh vợ hoặc chồng phải khư khư giữ tiền hay đau đầu về những khoản chi”, chị Quyên cho hay.
Bí quyết để hôn nhân bền vững cùng tiền bạc
Câu chuyện của Quỳnh Nhi – Đức Bảo nói trên không phải là hiếm gặp. Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến tài chính. Không ít chị em than phiền rằng, vợ chồng thường xuyên lục đục vì vấn đề chi tiêu trong gia đình.
“Các chuyên gia tâm lý thường ví việc bắt đầu xây dựng một tổ ấm cũng giống như mở một doanh nghiệp. Nếu nhận thức được xây dựng một kế hoạch chi thu rõ ràng, hợp lý, mọi người đều nắm rõ và có trách nhiệm thì rất tốt, nhưng không phải ai cũng làm được vậy”, ông Ngọc Anh, chuyên gia huấn luyện và đào tạo tại tổ chức phát triển cá nhân Mr Why nhận định.
Để học cách quản lý tiền hiệu quả trong gia đình, chuyên gia này gợi ý, cần rõ ràng về vấn đề tài chính. Thay vì ngần ngại, cả hai hãy trò chuyện chủ động, cởi mở, rõ ràng và trung thực trong vấn đề chi tiêu để thống nhất phương án chi tiêu, quản lý tài chính trong hôn nhân.
Khi bắt đầu cuộc sống gia đình, hai vợ chồng nên thống nhất về quan điểm tiền bạc, các quy tắc tài chính chung và công khai khoản thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân. Sau đó, xác định mức thu, chi cho những khoản mục gì, thu chi chung hay riêng, các khoản thu, chi, tiết kiệm, đầu tư sẽ phân bổ ra sao.
Nếu thu chung, về vấn đề ai là người “tay hòm chìa khóa”, chuyên gia Trần Kim Thành nêu quan điểm, trước đây người phụ nữ thường đảm nhận vai trò này, nhưng xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều. Người nào trong gia đình có nền tảng kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính tốt thì nên là người quản lý chung về tiền bạc.
Tuy nhiên, mỗi người dựa trên tính cách, năng lực của mình có thể đóng góp cho hiệu quả chung của kinh tế gia đình. Ví dụ, người vợ với sự cẩn thận, tỉ mỉ sẽ giữ vai trò ghi chép, tổng kết tài chính theo từng khoản mục cụ thể, đồng thời giữ quỹ tiết kiệm, bảo hiểm. Người chồng mạnh về đầu tư, kinh doanh thì nên phụ trách và giữ quỹ đầu tư tài chính của gia đình.
Nếu thu chi riêng, cần xác định rõ ai đảm nhiệm chi khoản gì, mức đóng góp để đạt được mục tiêu chung như: Mua nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm, chuẩn bị kế hoạch học tập cho con, tuổi già ra sao? Đây cũng là cách quản lý tài chính của gia đình anh chị Minh Trí và Đỗ Quyên kể trên.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi có sự quan tâm, thông cảm và bình đẳng với nhau về tài chính, giữa vợ chồng sẽ hạn chế những xung đột không đáng làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, ảnh hưởng tới con cái.
Đồng thời, đây sẽ là sự cam kết chắc chắn về đời sống lứa đôi, khi mà cả hai bên đều toàn tâm toàn ý, nỗ lực bằng cả tình cảm và tài sản, không còn chuyện tiền anh – tiền tôi mà chỉ có đích đến chung là hạnh phúc gia đình.
Còn dưới góc độ luật pháp, Tiến sĩ luật học Lê Văn Thiệp – Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, Luật Hôn nhân và Gia đình đã có những quy định về vấn đề này.
Theo đó, về cơ bản chỉ có những tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng mới là tài sản riêng. Còn tài sản chung vợ, chồng là tài sản chung hợp nhất của vợ, chồng; được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Về vấn đề thỏa thuận tài sản chung là tài sản riêng, hiện Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định cụ thể mà chỉ quy định về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung. Tuy nhiên, ở Điều 35 Luật này nêu rõ, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thoả thuận. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 38 của Luật còn quy định, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung.
“Kể ra cũng thật khó để nói việc phân định rạch ròi tài sản trước khi kết hôn là việc nên hay không nên làm. Tuy nhiên, với sự hội nhập của nhiều luồng tư tưởng và thời gian gần đây, xã hội đã nhìn nhận câu chuyện này theo chiều hướng dễ chịu hơn. Do đó, việc phân định tài sản trước khi kết hôn đã cởi mở và đây là một cách làm văn minh với những cặp uyên ương thích mọi thứ rõ ràng” – Tiến sĩ Thiệp nói thêm.
Đau buồn vì chồng gặp tai nạn qua đời, không ngờ người phụ nữ dắt thêm đứa con nói những...
Nỗi đau này chưa xong nỗi đau khác ập đến khiến đầu óc tôi rối lên chẳng nghĩ được gì chỉ có ngồi khóc nhìn chị ta đương ở thế đắc thắng.
Nghi ngờ chồng có quỹ đen, tôi lén lút trữ của cải cho bản thân mình, nào ngờ ngày đọc...
Khi đưa tang chồng xong, đọc xong những dòng chữ đó thì mắt tôi đã nhòa đi, nước mắt chảy nhòa...
Lâm bệnh nặng, chồng xin vợ cho gặp nhân tình lần cuối, nào ngờ phản ứng của ả bồ khiến...
Song cách đây vài tháng, Thành phát hiện bị suy thận độ 4. Tình trạng sức khỏe mỗi ngày một giảm sút trông thấy. Dù một tuần chạy thận 2, 3 lần cũng chẳng thể kéo dài thời gian sống cho anh được bao nhiêu nếu bệnh viện không tìm được người hiến thận tương thích với cơ thể anh.
Gọi cả gia đình đi bắt gian, đến tới nơi mở cửa ra, tôi và bố đứng hình trước cảnh...
Kỳ thực, tôi biết quan hệ mẹ chồng nàng dâu của gia đình tôi không hòa hợp, thậm chí là căng thẳng.