Đòi như… đòi nợ!

Ly hôn được gần hai năm nay, thế nhưng cứ nhắc đến chuyện một mình nuôi con, chị Hồng (Hà Nội) lại rung rung nước mắt. Chồng cũ - một gã đàn ông bằng tuổi chị đã trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

“Hai tháng đầu, anh ta chuyển tiền đúng hẹn. Nhưng sau đó, tiền cấp dưỡng cứ hụt dần và thành không có. Tôi đòi tiền nhiều lần nhưng anh ta không chuyển, cảm giác như mình đang đi đòi nợ trong khi số tiền đó là quyền lợi của con”, chị Hồng bức xúc.

Mặc dù rất tự ái nhưng chị vẫn đòi tiền vì suy nghĩ “đây là đòi cho con chứ không phải cho mình”. Hơn nữa, đây là trách nhiệm của người bố sau khi ly hôn chứ không phải là mẹ con chị đang ngửa tay xin tiền. Đòi tiền được vài tháng, chị đành bỏ cuộc vì sự chây ì quá đáng của chồng cũ.

Ly hôn, bố cạn tình đến mức không chịu cấp dưỡng nuôi con khiến nhiều bà mẹ bức xúc. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vấn đề cấp dưỡng sau ly hôn, Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Hợp danh The Light đã gặp rất nhiều trường hợp người bố cạn tình đến mức trốn tránh tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

Người mẹ đòi cấp dưỡng sau ly hôn như đòi nợ. Lý do ông bố thất nghiệp, không có tiền cấp dưỡng cho con. Tháng này không có việc làm, bố khất tháng sau. Tháng sau có thì đóng mà không có thì “ỉm” đi. Thấy việc cấp dưỡng có dấu hiệu “chìm xuồng”, người mẹ đòi thì người bố chỉ thản nhiên nói “không có tiền”.

Tưởng chừng việc từ chối cấp dưỡng cho con chỉ xảy ra với người có kinh tế eo hẹp thế nhưng thực tế, luật sư Hưng đã gặp trường hợp người bố giàu có nhưng không chịu cấp dưỡng cho con.

Theo luật sư Hưng, hiện Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quy định rõ tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

“Cấp dưỡng là một trong những quy định bắt buộc của cha, mẹ đối với con sau ly hôn hoặc đối với người sống phụ thuộc không có khả năng lao động tự nuôi sống bản thân. Việc vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe”, Luật sư Hưng cho hay.

Dẫu đã có quy định rõ ràng nhưng khoảng cách từ văn bản luật đến thực tế vẫn là câu chuyện dài.

“Được vạ thì má đã sưng”

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cũng nhận định dù pháp luật đã quy định rõ “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” khi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” nhưng không phải bố mẹ nào sau ly hôn cũng thực hiện được đúng như vậy.

Đứa trẻ tổn thương tinh thần sâu sắc khi chứng kiến cảnh bố mẹ đòi nhau tiền cấp dưỡng nuôi con. Ảnh minh họa.

Theo cảm nhận của luật sư Ngọc Nữ, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đa phần là bố đứa trẻ, rất hiếm khi người mẹ mang nặng chín tháng mười ngày, vượt cạn sinh con trốn tránh việc này. 

Quá trình đòi tiền cấp dưỡng ấy đã gây ra bao nhiêu nước mắt, khổ ải cho người mẹ. Thậm chí, luật sư Ngọc Nữ đã từng gặp trường hợp người bố trốn nghĩa vụ cấp dưỡng bằng cách chuyển chỗ ở dù đã có cưỡng chế thi hành của tòa án.

“Người mẹ tìm gặp bố để lấy tiền, chị mang theo con để mong bố rủ lòng thương. Nhưng không ngờ bị anh ta chửi bới, đánh đập rồi quẳng tiền ra như đang bố thí”, Luật sư Ngọc Nữ kể.

Bố mẹ ly hôn, con cái đã quá thiệt thòi. Giờ lại bị chính đấng sinh thành của mình từ chối cấp dưỡng, sự tổn thương tinh thần với đứa trẻ là khó tránh khỏi.