Thư mới về làm dâu cô Lan chưa đầy nửa năm, nhưng cô thường không hài lòng vì Thư quá vô ý. Một trong những chuyện mà cô khó chịu nhất là hễ cứ ngồi vào bàn ăn, Thư lại luôn miệng khoe giá cả các thứ đồ ăn đắt đỏ.

Ngày mới cưới vợ cho con trai, vợ chồng cô Lan tính chuyện ăn riêng cho thoải mái cả đôi bên.

Hai ông bà đều hưu trí, ở nhà chăm nhau và chăm mảnh vườn nhỏ với đủ loại cây cảnh. Cô Lan tranh thủ trồng các loại rau trong thùng xốp, vừa vui chân vui tay, lại vừa có rau sạch cho cả nhà dùng. Thức ăn thì chỉ cần ra cái chợ nhỏ cuối hẻm là có thể mua được những món cơ bản như tôm, cua, thịt, cá…

Vợ chồng cô Lan có tuổi nên chỉ muốn ăn uống thanh đạm (Ảnh minh họa)

Vợ chồng cô có tuổi rồi nên vẫn thường nói với nhau: Ăn uống chỉ cần thanh đạm cho nhẹ nhàng, miễn sao bữa ăn vui vẻ. Còn con cái, chúng muốn ăn gì thì ăn, không nên để chúng cảm thấy bó buộc bởi hai ông bà “khó tính”.

Thế nhưng, con trai cô Lan không đồng ý trước đề nghị ăn riêng của ba mẹ mình. Anh nói, nhà có 4 người mà nấu 2 nồi, ăn riêng, ai coi cho được? Người ngoài nhìn vào lại tưởng con cái và cha mẹ mâu thuẫn nhau thì không hay.

Vợ chồng cô Lan đành chiều con. Cô lãnh trách nhiệm chợ búa, cơm nước.

Cô Lan lãnh trách nhiệm chợ búa, cơm nước (ảnh minh họa)

Những ngày đầu ăn chung, con trai cô không ý kiến gì, nhưng con dâu lại có vẻ khó ăn. Thư không chê ngon dở, nhưng ăn rất ít, và cũng không thoải mái.

Cô Lan để ý thấy điều đó. Cô nghĩ, có lẽ vì thức ăn không hợp khẩu vị, hoặc vì nó đạm bạc hơn so với thói quen ăn uống của cô gái nhà giàu. Cô có hỏi con dâu, nhưng Thư xua đi như không có vấn đề gì.

Sau tháng đầu tiên, Thư không chịu nổi những bữa cơm của mẹ chồng, nên đã xung phong đi chợ.

Thư sắm về một cái tủ lạnh thật lớn, với một đống hộp trữ lạnh, trữ đông các kiểu. Cuối tuần, cô đi siêu thị mua thức ăn đủ cho cả một tuần, rồi về sơ chế, bỏ vào từng hộp, ghi chú rõ ràng để mẹ chồng tiện nấu. Mỗi ngày mỗi món.

Cô Lan thấy con dâu hăng hái, tích cực nên cũng rất vui. Mỗi ngày, cô chỉ việc lấy đúng hộp thức ăn mà Thư đã chuẩn bị. Món nào không biết, cô lên mạng tìm hiểu để nấu cho ngon và bày biện cho đẹp. Cô không muốn phụ tâm sức của con dâu mình.

Thế nhưng, khi các món ngon được dọn ra, không khí gia đình rộn rã, cả nhà đang ăn ngon lành thì Thư bắt đầu… khoe giá.

Mỗi khi gắp thức ăn cho ba mẹ chồng, Thư luôn miệng kiểu: “Ba ăn đi ba, thịt bò này con mua hơn triệu bạc 1 kí lô đó”; hay: “Mẹ ăn nhiều chút đi mẹ. Cá hồi fille này con mua loại tươi nhất, 900 ngàn được có miếng chút éc thôi à”.

Nghe con dâu khoe thế, vợ chồng cô Lan tụt hết cảm xúc. Miếng ăn đang ngon, bỗng dưng muốn nghẹn lại nơi cổ. Ông bà nuốt không trôi.

Không biết là vô tình hay cố ý mà bài ca giá cả đắt đỏ ấy thường xuyên được lặp lại. Riết rồi, hễ tới bữa, vợ chồng cô Lan chỉ còn biết ăn lẹ cho xong. Cô Lan cũng chẳng còn cảm hứng để mà tìm tòi nấu nướng như trước nữa.

Trong cuộc sống, có không ít người như Thư. Họ mặc định sẵn trong đầu rằng thứ đắt đỏ mới là thứ ngon lành mà không để ý đến thái độ, tâm tư của người đối diện.

Ba mẹ chồng nào cảm thấy ngon khi biết cái giá “trên trời” của miếng ăn mình đưa vào miệng? Thư không phải nàng dâu tệ, chỉ tiếc là cô không đủ tinh tế để nhận ra điều đó.