Mai và anh nhau một thời gian thì anh đề cập chuyện hôn nhân. Mai chẳng có gì bất ngờ vì anh say cô như điếu đổ.

Mai đã ngoài 30 tuổi. Người độc miệng hay nói "Phụ nữ chọn lựa chi cho cố, để đến cuối chợ chỉ còn vài hàng lèo tèo, thực phẩm khi ấy mua được cũng chẳng còn tươi xanh…". Vậy nhưng theo mặt bằng chung những người cô quen thì anh khá ổn. Anh có ngoại hình dễ nhìn, sự nghiệp sáng sủa, là con một trong gia đình bề thế giữa quận trung tâm thành phố, và quan trọng là anh rất yêu Mai. Có lẽ đó là lý do khiến Mai gật đầu làm vợ, nhưng mai cũng đưa một điều kiện: cô sẽ không làm dâu. 

Mãi rồi cô cũng biết chồng thường xuyên sánh đôi cùng người phụ nữ khác trong công ty (ảnh minh họa)

Vì biết mình “trên cơ” nên Mai đưa ra điều kiện đó với anh, và anh đồng ý. Mai không ghét gia đình chồng. Thậm chí vài lần tiếp xúc với mẹ chồng tương lai, Mai thấy mến bà. Bà là phụ nữ trí thức, hiện đại trong suy nghĩ. Cũng nhờ vậy mà bà không câu nệ chuyện đứa con dâu duy nhất phải về ở cùng. 

Bà và chồng vừa đến tuổi hưu nhưng cả 2 rất bận rộn với những hoạt động của mình, không nhàn rỗi hay can thiệp sâu vào đời tư con cái. Với bà, miễn sao con trai hạnh phúc là được.

Sau đám cưới, vợ chồng Mai ở hẳn bên nhà mẹ ruột của Mai. Căn nhà vườn rộng thênh thang chỉ có mẹ và 2 chị em Mai, giờ thêm chàng rể. Ai có việc của người đấy nên có khi cả ngày chẳng chạm mặt nhau. Chồng Mai đi làm từ sáng sớm đến tối muộn. Bữa tối, nếu về sớm thì anh ấy dùng bữa cùng người nhà, về muộn thì ăn gì đó bên ngoài rồi lặng lẽ lên phòng ngủ.

Trong bức tranh tưởng là bình yên ấy, thực ra rất lạnh lẽo. Sự quan tâm, lời yêu thương của chồng kết thúc ngay năm đầu hôn nhân, khi Mai chưa kịp trang bị cho mình những kiến thức để vun vén tình cảm vợ chồng. Cô cứ ngỡ anh sẽ luôn là người ấm áp, yêu thương và si mê mình như thuở ban đầu. Hay chính xác hơn, anh vẫn vậy, chỉ là vị trí của Mai được thay thế bằng cô gái khác.

Một đồng nghiệp của anh, cũng là bạn của Mai, đã chụp được bằng chứng anh có người khác. Anh cũng chẳng muốn chối cãi, những tin nhắn của tình nhân đến đều đặn trước giấc ngủ mỗi đêm. Một lần, Mai đọc được chúng do anh sơ ý để tin nhắn hiện lên màn hình cảm ứng.

Mai làm ầm ĩ một trận, anh chán nản bỏ về nhà cha mẹ. Thêm vài lần như vậy, mẹ chồng Mai đã đoán ra mọi chuyện. Bà hẹn gặp Mai để nói chuyện. Mai khấp khởi mừng thầm vì nhớ ra là bà rất quý cô. Biết đâu nhờ bà mà cuộc hôn nhân được cứu vãn.

Hôm gặp ở quán cà phê giữa trung tâm, mẹ chồng Mai mặc đồ rất đẹp, tóc búi cao quý phái, và nụ cười vẫn đôn hậu như cảm nhận đầu tiên của Mai về bà. Lần này cũng vậy, bà nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay Mai, hỏi Mai có ổn không, phụ nữ dù trải qua bất cứ gập ghềnh nào cũng phải biết tự chăm sóc mình nhé… Sự quan tâm của bà khiến Mai cảm động.

Nhưng khi vào nội dung chính, Mai mới nhận ra câu nói quen thuộc “mẹ nào chẳng bênh con”. Bà cho rằng, đàn ông rời tổ ấm ra ngoài thì phụ nữ cũng phải xem lại mình. Dù ngôn từ chẳng có chút nặng nhẹ hay trách cứ, nhưng vẫn như nhát dao đâm thẳng vào tim gan Mai. Cô nhận ra bà sẽ chẳng đứng về phía mình, bảo vệ mình như bảo vệ một người phụ nữ, dù có lần mẹ chồng cô từng nói vậy.

Bà còn nói rằng, trước khi trách chồng, thì con hãy nghĩ xem mình đã làm gì được cho chồng? Ngay cả một bữa cơm đúng khẩu vị, con cũng chưa làm được, vì con không dùng bữa nhiều với nhà mẹ, nên chẳng thể biết được khẩu vị của chồng con. Đàn ông mà, đôi khi mạnh mẽ nhưng lắm lúc cũng cần thương yêu như một đứa trẻ, từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Hóa ra, mẹ chồng Mai đem chuyện cô không chịu làm dâu ra, để đổ lỗi cho hôn nhân đổ vỡ. Sau cuộc gặp, Mai bỗng nghi hoặc chính mình, kết quả của ngày hôm nay hoàn toàn lỗi ở Mai? Nếu như ngay từ ban đầu Mai chịu theo chồng, về làm dâu thảo vợ hiền, có phải mọi thứ sẽ khác?