Mẹ bầu chảy máu sau khi làm “chuyện ấy”: Báo động đỏ về những bệnh lý nguy hiểm
Quan hệ tình dục khi đang mang thai là điều khá thú vị đối với nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, một số mẹ bầu có thể bị chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Điều này có bình thường không và cần làm gì để phòng tránh?
Mẹ bầu chảy máu sau khi quan hệ, có đáng lo?
ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, chủ đề “Yêu” như thế nào để an toàn, có lẽ là câu hỏi được nhiều cặp vợ chồng quan tâm nhất trong suốt thai kỳ.
Trên thực tế, nếu mẹ bầu có sức khỏe tốt và thai kỳ phát triển khỏe mạnh thì làm “chuyện ấy” không hề ảnh hưởng đến bé. Thậm chí, quan hệ đúng tư thế và đúng cách còn là một trong những biện pháp tuyệt vời giúp nâng cao khả năng sinh thường.
Nhưng không phải là không có những vấn đề xảy ra khiến mẹ bầu lo lắng. Và một trong những vấn đề phổ biến nhất là chảy máu sau khi “yêu”.
Thống kê của Hội sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cho thấy, khoảng 15-25% phụ nữ mang thai bị chảy máu trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu của thai kỳ). Chảy máu sau quan hệ phổ biến ở những người từng mang thai.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thành, thông thường, hiện tượng trên không đáng lo ngại vì không ảnh hưởng đến thai nhi do bé yêu được bảo vệ an toàn trong tử cung.
Nút nhầy ở cổ tử cung đóng vai trò như một “vệ sĩ” đảm bảo môi trường trong tử cung được vô trùng, cũng như không thể bị xâm phạm nên sẽ không có chuyện “cậu bé” của bố làm đau bé yêu như nhiều người lầm tưởng.
Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu chảy máu sau khi làm “chuyện ấy”
Theo bác sĩ Thành, có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai chảy máu sau quan hệ tình dục, báo động về tình trạng sức khỏe. Cụ thể:
Nhiễm trùng: Nếu bộ phận sinh dục bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, mẹ bầu có thể chảy máu nhẹ ở âm đạo, cảm thấy ngứa hoặc kích ứng.
Khô âm đạo: Âm đạo của phụ nữ mang thai bị khô có thể gây ra những vết rách nhỏ trên thành âm đạo, dẫn đến chảy máu khi quan hệ tình dục.
Cổ tử cung nhạy cảm lộ tuyến nhiều hơn khi mang thai: Trong quá trình mang thai, cổ tử cung của phụ nữ nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, những tác động nhỏ tới bộ phận này có thể gây chảy máu.
Sẩy thai: Phụ nữ mang thai chảy nhiều máu đỏ tươi, cảm thấy đau đớn trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai có thể do bị sẩy thai. Lúc này, người mẹ cần được đưa đi cấp cứu để các bác sĩ khám, chăm sóc kịp thời.
Mang thai ngoài tử cung: Đây là hiện tượng trứng thụ tinh bám vào một vị trí ở ngoài tử cung của người mẹ, gây chảy máu âm đạo. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế sớm.
Nhau tiền đạo: Nếu nhau thai bao phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, nhau tiền đạo sẽ xuất hiện. Phụ nữ mang thai có nhau tiền đạo dễ bị chảy máu dù không có cảm giác đau. Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời, người mẹ có thể bị xuất huyết nặng đe dọa tới tính mạng. Dù quan hệ tình dục không gây ra nhau tiền đạo, nhưng đây là yếu tố nguy cơ khiến mẹ bầu xuất huyết.
Nhau bong non: Đây là tình trạng nhau thai bong ra khỏi thành tử cung của mẹ bầu, gây chảy máu, đau đớn ở bụng, lưng. Lúc này, tính mạng của mẹ và bé có thể bị đe dọa, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Bác sĩ Thành nhấn mạnh, để chắc chắn hơn về tình hình sức khỏe của bé, mẹ bầu nên nhanh chóng hỏi ý kiến hoặc thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm, nhất các mẹ bầu có tiền sử sảy thai càng phải đặc biệt lưu tâm.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...