Nghe tiếng xe máy của mẹ ở ngoài cổng, anh mừng rỡ, cuống quýt chạy ra đón. Thấy vậy, người con út bị bệnh Down cùng người anh trai tâm thần của bà cùng ngó ra ngoài.

12h trưa, cái nóng rát của Sài Gòn khiến mồ hôi đổ ướt đẫm áo bà Lành. Vừa trở về sau một cuốc xe ôm được mấy chục nghìn, bà Lành chưa kịp nghỉ ngơi đã vội chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà.

Giờ cơm trưa ngắn ngủi của bà Lành cùng 2 người con, anh trai tâm thần.

Người con trai đầu bị bệnh dạ dày, khó ăn. Bà Lành phải kiên nhẫn đút cơm, chăm con từng chút như đối xử với đứa trẻ. Đến khi các con, anh trai ăn xong, bà mới lặng lẽ xới tô cơm, ăn miếng cá kho cuối cùng còn trong chảo.

Loay hoay đã thấy đồng hồ điểm 15h, bà Lành tiếp tục chạy đến nơi làm bảo vệ, giữ xe cho đến chiều tối mới về. Trước khi đi, bà cẩn thận đóng cửa, chào tạm biệt các con. Riêng người anh trai, bà cẩn thận mặc cho anh chiếc áo có in số điện thoại sau lưng, phòng khi người anh đi lạc mất. "Ổng đi lạc 3 lần rồi đó. Mỗi lần lạc là tôi đi tìm đỏ mắt", bà chia sẻ.

Kể từ khi chồng mất, bà Lành là lao động chính trong nhà. Người phụ nữ chưa từng biết đến bữa cơm gia đình hơn 13 năm qua, nay phải "cày" mấy công việc cùng lúc để nuôi 4 miệng ăn.

"Người ta nói tôi thất đức, mới sinh con tật nguyền…"

Năm 1993, bà Lành sinh con đầu lòng. Đêm hôm đó, bác sĩ thông báo bà sinh đôi, 2 bé trai. Bà Lành mừng lắm.

Vậy nhưng, nghe bác sĩ khó nhọc báo tin các con của bà đều bị bại não, sản phụ điếng người. Bà rã rời, lùng bùng nghe những câu chữ sau thông báo đó, không thể tiếp nhận thêm.

Khi đó, bà Lành chỉ nhớ về tuổi thơ gắn với hình ảnh mẹ mình vất vả chăm lo cho người con trai tâm thần, thời gian cho bản thân còn chẳng có. Cảnh tượng đó giờ lặp lại với cuộc đời của bản thân bà.

Mắc chứng bại não, một trong hai đứa con liên tục đổ bệnh. Bà và con phải ở viện liên 3 năm không về, bé thứ hai được gửi cho họ hàng nuôi giúp. Nhiều người khuyên bà đưa con vào trung tâm khuyết tật, trại từ thiện nhưng bà không đồng ý.

"Như vậy chẳng khác nào bỏ con. Tôi đã từng đi thăm những nơi cho người khuyết tật, nhìn mấy đứa nhỏ không cha, không mẹ đứng khóc. Tôi không muốn con mình cũng phải như vậy, bọn nhỏ sinh ra đã khổ rồi", bà Lành nói.

Sau khi trở về nhà từ bệnh viện, bà Lành và chồng nén nỗi đau nhìn đứa con trai máu mủ mãi không chịu lớn. Hai tiếng "bố, mẹ", ông bà mãi chưa được nghe.

"Nhiều người nói những thứ không hay, vợ chồng tôi cũng áp lực lắm. Người ta bảo chắc tôi sống thất đức lắm mới đẻ con ra như vậy. Chúng tôi chẳng đáp lời, cứ lặng lẽ nuôi con", bà Lành bộc bạch.

Suốt 12 năm nuôi con, vợ chồng bà cùng làm đủ thứ nghề. Cả hai dùng chung chiếc xe máy cà tàng, hễ ai kêu chạy xe ôm thì thay phiên nhau đi làm, người còn lại sẽ ở nhà chăm sóc con. Thấy hai đứa con trai mãi không chịu lớn, đôi lúc bà Lành cũng nghĩ đến cảnh vợ chồng bà về già.

"Chị chồng tôi cũng động viên sinh đứa nữa. Hi vọng đứa sau bình thường, sau này bố mẹ mất có thể thay thế chăm sóc các anh", bà Lành kể.

Mang thai lần thứ hai, không ngày nào bà Lành thôi cầu nguyện cho mọi thứ suôn sẻ. Thế nhưng, số phận ác nghiệt lại không buông bỏ bà.

Đứa con gái thứ 3 mắc chứng bệnh Down. Hay tin, bà Lành và chồng tuyệt vọng. "Nước mắt tôi không ngừng rơi. Sắp tới ra sao, chúng tôi cũng không biết. Nhìn đứa nhỏ chẳng giống ai, tôi hiểu số phận đã như vậy rồi", người mẹ gạt nước mắt nói.

Đón con về nhà một thời gian, vợ chồng bà lại cật lực kiếm thêm việc. Với người thường, nuôi 2 con đã khó. Đây còn là những đứa con không bình thường khiến gánh nặng ngày trĩu vai. Nhiều đêm nằm úp mặt vào tường khóc, bà Lành tự hỏi không biết đã làm gì sai.

Ngày qua ngày, tình thương dành cho con là tất cả với vợ chồng bà. "Nếu số phận là vậy, chúng tôi sẽ chấp nhận vì con mình mà, không nuôi thì ai nuôi", bà Lành quyết tâm.

Thấy hoàn cảnh khó khăn, hàng xóm, mạnh thường quân cũng đến giúp đỡ đôi ba cân gạo, tiền mặt để gia đình trang trải qua ngày.

Đến năm 2017, mẹ bà mất. Bà đón người anh trai tâm thần về nuôi. Ba năm sau, chồng bà cũng qua đời.

Ngày đưa tang bố, 3 đứa con của bà đội khăn trắng mà chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Đôi lúc, đứa con gái út rơi nước mắt, còn cặp song sinh thì cứ nhoẻn miệng cười. Chứng kiến cảnh đó, nước mắt bà Lành chảy ngược vào trong.

 Trong đám tang bố, 3 người con của bà ngô nghê không hiểu gì khiến bà càng đau lòng hơn.

"Cảm giác vỡ òa mà không khóc được, nó nghẹn lắm. Chồng mất để lại 3 đứa con, gánh nặng giờ nhân đôi", bà Lành nhớ lại.

Vừa làm mẹ, vừa làm bố, bà Lành chỉ ngơi tay đôi ba tiếng mỗi ngày để ngủ. Từ giúp việc nhà, giữ xe, chạy xe ôm, bà đều nhận làm hết. Trước đây, bà lái xe ôm vào trung tâm TPHCM để nhận nhiều cuốc hơn. Nhưng từ khi chồng mất, bà chỉ quanh quẩn ở khu chợ gần nhà, để có thể đi về liên tục lo cơm nước, vệ sinh cho đàn con dại.

Giọt nước mắt giữa đêm

Làm việc cật lực, có những ngày người mẹ khốn khổ đổ bệnh. Bà nhớ nhất là lúc bản thân bị ốm, mê man rồi bất chợt tỉnh dậy khi đã nửa đêm. "Mở mắt thì thấy con ngồi kế bên la đói, tôi mới giật mình đi mua cơm. Lúc đó đầu óc xoay vòng nhưng vẫn phải ráng đi đến nơi, về đến chốn", bà Lành nhớ lại.

Ngày nào cũng thế, guồng quay công việc, trời sập tối lúc nào bà Lành cũng chẳng hay. Vội vàng cố dỗ bản thân vào giấc ngủ để lấy sức tiếp tục làm việc mà nước mắt người phụ nữ khốn cùng cứ rơi. "Khóc đêm vậy đó, chứ sáng là quên hết, lao vào việc là đỡ nhất", bà cười méo xệch.

Bắt đầu ngày mới, bà Lành lau dọn nhà cửa rồi lần lượt tắm cho các con.

"Mẹ, giỏi, giỏi…", đó là câu mà con trai bà Lành thường cố gắng nói. Nghe vậy, bà Lành thấy như được tiếp thêm năng lượng, như quên đi sự mệt mỏi.

May mắn, hàng xóm biết bà ốm nên thỉnh thoảng cũng qua cho 3 "đứa trẻ" ăn uống giúp. Toàn bộ vật dụng trong nhà cũng do hàng xóm, mạnh thường quân cho. Biết được hoàn cảnh của bà, địa phương cũng ưu tiên giúp đỡ.

Mỗi ngày, bà có thể kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Hàng tháng, anh trai bà được trợ cấp 960.000 đồng, còn mỗi đứa con nhận được 720.000 đồng từ địa phương.

Là phụ nữ, nhưng bà Lành đã lâu chưa sắm cho mình chiếc áo mới. Vì từng chiếc áo của con cũng từ người khác cho, bà không còn tâm trí nghĩ cho mình nữa. Nhiều lúc nhìn cảnh sum họp của những gia đình xung quanh, bà chợt nghẹn lòng, nhớ lại đêm giao thừa cuối cùng khi chồng còn sống.

"Lúc đó, dù khó khăn nhưng cũng còn chồng san sẻ. Giờ chồng mất, đêm giao thừa tôi cũng chỉ bày bàn thờ cúng đơn giản, rồi ôm các con ngủ", bà Lành nói.

Tâm sự chất chứa nhiều, không có ai để giãi bày, lắm lúc bà chọn nói với con, dù vốn biết chúng chẳng hiểu gì. "Thấy con của họ hàng giờ đã lớn, có gia đình hết rồi. Con tôi tới đi vệ sinh còn phải đợi mẹ về vệ sinh cho, tôi cũng thấy ghen tị và tủi thân lắm", bà Lành ứa nước mắt.

Thế nhưng, càng nhìn con, bà càng thấy thương hơn. Các con không nói được một câu trọn vẹn, nhưng khi được hỏi có thương mẹ không, cả ba gật đầu lia lịa. Một chút an ủi là cô con gái út của bà Lành, trước đây được đi học nên nói được ba chữ "con thương mẹ".

Với người mẹ, đó là món quà quý giá nhất mà tạo hóa tặng cho, trong muôn vàn sóng gió. Số phận đưa vào cảnh này, bà Lành tâm niệm bản thân phải chấp nhận và không cho phép mình nghỉ ngơi.

"Tôi sẽ làm việc đến khi nào không còn sức lực nữa. Làm mẹ, ai cũng như vậy hết. Sau này tôi có bề gì, con tôi mang cho ai cũng được, miễn là chúng sống tốt", bà Lành nói.

Trong căn nhà nằm sâu trong con hẻm, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe thấy tiếng bà Lành càm ràm con cái bừa bộn. Nhưng cũng không ít lần, người ta bắt gặp cảnh bà Lành ôm con cười mãn nguyện, thỉnh thoảng lại ứa nước mắt.