Ly hôn, tôi chỉ phải lo cho 2 mẹ con mà không phải nặng gánh nuôi chồng (ảnh minh họa)

Cách đây 2 năm, vợ chồng tôi ly hôn. Chồng cũ của tôi là kẻ thiếu trách nhiệm. Anh ỷ lại mọi việc vào vợ, từ tài chính, nghĩa vụ với 2 bên, tới việc chăm con cái. Tiền lương anh làm ra chỉ đủ cho anh nhậu nhẹt, thậm chí có khi anh còn vay tiền tôi trả cho bạn.

Anh sống trong nhà nhưng như người vô hình, lúc nào cũng ôm điện thoại để chơi game hoặc tán gẫu với bạn mà không chịu ngó tới con. Chồng nhiều lần hứa thay đổi nhưng vẫn tính nào tật đó. Tôi nhận ra mình thà ly hôn và làm mẹ đơn thân còn hơn. Vì ít nhất khi ly hôn, tôi cũng chỉ phải lo cho 2 mẹ con mà không phải gánh thêm chồng

Ngày tôi nói ly hôn, anh phản đối dữ dội. Cho đến ngày anh bức xúc không chịu được và nói: “Ly hôn thì ly hôn, cô tưởng tôi cần cô chắc?”.

Anh ký đơn, thủ tục diễn ra nhanh chóng. Nhưng ly hôn xong thì chồng tôi không chịu rời đi. Anh nói không có tiền để thuê nhà nên xin ở tạm và anh cũng giúp tôi chuyện đưa đón con. Mọi thứ khác anh sẽ không liên quan đến tôi. Tôi nể nên vẫn để anh sống chung.

Thế rồi ngoài tờ giấy quyết định chấm dứt hôn nhân, mọi thứ vẫn chẳng thay đổi. Tôi vẫn là người trả tiền thuê nhà, chi tất tần tật mọi khoản ăn uống, phí sinh hoạt, tiền học cho con. Chồng tôi đến bữa vẫn ngồi vào bàn ăn cơm chung vì chẳng nhẽ đến bữa lại đuổi anh đi. Có hôm anh ra ngoài nhậu nhẹt, có bữa anh ở nhà ăn cùng, nhưng tôi luôn phần cơm.

Anh được một điểm cộng là chăm chỉ đưa đón con. Tôi đi làm ở khu công nghiệp xa nên phải theo xe đưa rước nhân viên, đi sớm về muộn, không thể đưa đón. Nếu thuê người ngoài thì không yên tâm và tôi cũng không muốn chia rẽ tình cảm cha con.

Chúng tôi sống chung như thế được 6 tháng, cho đến một lần bạn tôi đến nhà chơi. Tôi ngồi than vãn chuyện vẫn phải “nuôi chồng cũ” tốn kém, bạn tôi đã mắng thậm tệ: “Bà thử nghĩ coi, bà đấu tranh bao lâu để ly hôn được, để mẹ con sống thoải mái hơn. Mà có phải bây giờ còn kinh khủng hơn không? Chấm dứt ngay đi kẻo tòi ra... hậu quả!”.

Rồi bạn tôi ngồi phân tích những nguy cơ. Tôi ngồi nghe chừng nào thì thấy “sáng mắt” ra chừng ấy. Anh nhiều lần “gạ gẫm” ngủ chung, tôi đã phải cương quyết từ chối nhưng tần suất ngày càng tăng. Và tôi cũng luôn tự hỏi là mình còn tránh né được đến bao giờ nếu vẫn còn ở chung nhà như thế.

Vấn đề bất cập luôn có nhưng tôi đã lờ đi (Ảnh minh họa)

Thi thoảng nghe được những cuộc điện thoại vay nợ của anh ta với bạn mà tôi cũng sợ hãi. “Sang tháng tôi trả, gì mà căng thế” - tôi nghe được bập bõm là cũng đoán được tình hình.

Mấy lần anh hỏi vay tiền tôi, nhưng tôi than phải đóng tiền nhà, tiền học cho con nên không đủ. Anh nói tôi vay hộ đâu đó rồi anh trả lãi, tôi nói không có chỗ vay thì anh cáu kỉnh.

Nếu còn là vợ chồng, tôi còn có thể ý kiến về cách anh sống nhưng đã ly hôn nên tôi nói gì cũng bị anh vặc: “Cô có tư cách gì mà lên mặt với tôi?”.

Còn rất nhiều chuyện khác nữa, mà chỉ sau khi bạn phân tích tôi mới hiểu ra. Sống cùng với chồng cũ tiện việc đưa đón con nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác.

Nhưng làm sao đuổi chồng đi được thì rất khó. Tôi phải tạm xin nghỉ việc không lương 1 tháng, nói dối rằng tôi bị công ty cắt giảm nhân sự và tôi sẽ ở nhà để đưa đón con. Tôi kiên quyết không để phần cơm khi chồng cũ về muộn, tôi rạch ròi trong từng chuyện như cái áo, cái quần của anh ta thì cũng phải tự đi mà giặt.

Cuối cùng, sau 4 tuần đấu tranh, chồng cũ cũng chấp nhận kéo vali đi. Rồi tôi tìm hiểu và nhờ được một chị phụ huynh có con học cùng với lớp con gái tôi sẽ đưa đón con giúp. Chị ấy làm tự do ở nhà nên có thời gian để chăm các con và các bé cũng có thêm bạn để chơi. Tôi gửi chị mỗi tháng 1,5 triệu đồng.

Tôi không quan tâm chồng cũ sống như thế nào, dù thi thoảng anh vẫn sang chơi với con rồi về. Tôi không bắt anh chu cấp gì cho con nên mọi chuyện rất rạch ròi. Riêng tôi có thêm thời gian cho những sở thích cá nhân.

Đến bây giờ, khi cuộc sống mẹ con tôi đã ổn, tôi nhìn lại mới nhận thức được rõ sai lầm. Ly hôn là cắt đứt những ràng buộc giữa vợ chồng, nên không thể vì chuyện gì mà vướng mắc. Tôi cũng tin là chỉ khi giải quyết được chuyện trong quá khứ, mình mới có khả năng đón nhận những điều tốt đẹp phía trước.