Theo Bệnh viện Da liễu Hà Nội, bệnh Zona gặp ở trẻ dưới 10 tuổi đã hiếm, nhưng Zona ở bệnh nhân 5 tháng tuổi chưa từng mắc và chưa được tiêm chủng thủy đậu là một trường hợp hiếm gặp.

Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, Zona là bệnh do virus Varicella zoster gây nên. Thường gặp Zona ở những người đã từng mắc thủy đậu hoặc nhiễm virus huyết trước đó.

Bệnh thường gặp ở người lớn (90%) đặc biệt những người có suy giảm miễn dịch và rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Đặc điểm của Zona là tổn thương thường bị lẻ một bên của cơ thể với những mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Cảm giác đau tại nơi xuất hiện trước khi nổi mụn nước vài ngày (ở trẻ em ít có cảm giác đau).

Bệnh tiến triển lành tính và khỏi sau khoảng 2 tuần điều trị.

Biến chứng có thể gặp là đau sau Zona, rối loạn và mất cảm giác, sẹo lõm, sẹo xấu.

Một trường hợp 5 tháng tuổi mắc Zona hiếm gặp tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh: BV.

Tại sao Zona lại có thể gặp ở trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi?

Sau khi sinh ra trẻ bị nhiễm Virus Varicellla Zoster tiên phát nhưng không biểu hiện bệnh hoặc có thể mắc bệnh thủy đậu từ trong bào thai (nghĩ đến qua di tích sẹo từ bọng nước cũ)

Phụ nữ mang thai 20 tuần đầu mắc thủy đậu có nguy cơ ảnh hưởng nặng và truyền virus cho thai nhi. Trẻ bị nhiễm virus huyết bẩm sinh từ mẹ và các virus này nằm ngủ trong các hạch thần kinh của tủy sống.

Vì vậy trẻ sinh ra không có biểu hiện của mắc bệnh thủy đậu nhưng lại có biểu bệnh Zona ngay khi sức đề kháng suy giảm tức thời như sốt, tiêu chảy...

Điều trị bệnh Zona ở trẻ dưới 12 tháng tuổi thế nào?

Tại chỗ: Vệ sinh hàng ngày, bôi thuốc mỡ kháng sinh chống bội nhiễm và tránh để lại biến chứng sẹo lõm.

Toàn thân: Dùng thuốc kháng virus, tăng cường sức đề kháng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Biến chứng: cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu nặng của bệnh như mụn nước bội nhiễm tấy đỏ, có mủ, xuất huyết và sốt cao... Zona ở trẻ em thường ít có biến chứng về dây thần kinh.

Phòng bệnh Zona ở trẻ

Theo các bác sĩ, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu và Zona (bệnh có thể lây qua đường hô hấp và qua các giọt bắn của nước bọt)

Phụ nữ có thai nên tiêm phòng vắc xin thủy đậu trước khi mang thai (nếu chưa từng mắc thủy đậu hoặc đã tiêm phòng trước đó 10 năm).

Phụ nữ có thai không tiêm phòng mà bị mắc bệnh thủy đậu cần được điều trị bằng kháng virus theo đúng phác đồ càng sớm càng tốt để tránh nhiễm virus cho thai nhi.