Em đi khám, các bác sĩ nghi ngờ em bị viêm âm đạo do trùng roi nên yêu cầu làm xét nghiệm cả 2 vợ chồng. Vậy, xin bác sĩ tư vấn rõ về căn bệnh này.

(Độc giả xin giấu tên)

Viêm âm đạo do trùng roi là một bệnh khá phổ biến. Bệnh do một loại ký sinh trùng sống trong bộ phận sinh dục gây nên. Bệnh trùng roi sinh dục lây qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt bị nhiễm trùng roi.

Tỷ lệ nữ bị bệnh nhiều hơn nam gấp 10 lần. Khi mắc, đối với nam giới có biểu hiện ngứa ở quy đầu, đái buốt, đái dắt, có khi có tiết dịch ở quy đầu. Những trường hợp mạn tính rất ít có triệu chứng lâm sàng nên nhiều người không biết mình có bệnh. Thỉnh thoảng chỉ thấy khó chịu dọc theo niệu đạo và có tiết dịch nhầy buổi sáng.

Ở nữ giới, khi mắc có biểu hiện ra khí hư màu vàng, hơi xám, đặc biệt có bọt và mùi hôi nặng. Đôi khi khí hư nhiều, màu xanh hơn nếu nhiễm thêm vi khuẩn khác. Người bệnh bị ngứa nhiều ở âm đạo, âm hộ, có khi bị sưng đỏ và có những vết loét trợt ở bộ phận sinh dục ngoài. Có cảm giác đau rát khi giao hợp hoặc khi đi tiểu.

Ảnh minh họa: Internet

Để điều trị bệnh trùng roi âm đạo có hiệu quả cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm, điều trị cho cả vợ lẫn chồng vì bệnh có thể lây từ vợ sang chồng và ngược lại; đồng thời trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để hạn chế điều kiện và cơ hội lây truyền thì mới có kết quả mong muốn.

Trong chỉ định điều trị, thầy thuốc thường dùng các loại thuốc diệt trùng roi phối hợp với các thuốc diệt nấm và vi khuẩn vì qua quá trình điều trị trùng roi, môi trường âm đạo có thể thay đổi làm cho nấm và vi khuẩn có điều kiện phát triển và gây bệnh.

Vì vậy, vợ chồng chị cần đến cơ sở y tế để được khám và xác định bệnh. Nếu đúng mắc bệnh viêm nhiễm do trùng roi thì cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.

Ngoài ra, cần tăng cường các điều kiện, tiện nghi vệ sinh cho phụ nữ ở gia đình để chủ động khống chế sự lây truyền bệnh.