Chia sẻ với VnExpress.net, bác sĩ cho biết anh làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông từ khi ra trường. Hàng ngày anh thăm khám, điều trị khoảng 100-150 bệnh nhân, từ 7h sáng đến 17h chiều ở viện, sau đó làm thêm ở phòng khám tư đến 20h. Dành hết tâm sức cho công việc, anh không còn thời gian nào phụ giúp vợ, đón con hay chăm sóc bố mẹ.

Sau 10 năm làm việc, lương trung bình tại viện của anh chưa đến 8 triệu đồng. Thu nhập từ phòng khám tư được xem là thêm một khoản để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.

Cuộc sống eo hẹp buộc anh phải tìm hướng đi khác cho mình.

"Chữa bệnh là trách nhiệm của thầy thuốc nhưng đi liền với trách nhiệm phải là quyền lợi tương xứng thì mới yên tâm làm việc", nam bác sĩ chia sẻ.

Cân nhắc nhiều điều, anh viết đơn xin nghỉ việc và chuyển sang làm cho một bệnh viện tư gần nhà. Với kinh nghiệm lâu năm, anh tự tin yêu cầu mức lương mà bản thân mong muốn cùng với các chế độ nghỉ ngơi. Hiện tại thu nhập trung bình hàng tháng của anh dao động từ 25 đến 30 triệu đồng.

"Con người làm bất cứ nghề gì cũng là để mưu sinh", anh ngậm ngùi.

Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 100 - 150 ca cấp cứu mỗi ngày nên luôn trong tình trạng quá tải, gây nên nhiều áp lực cho y bác sĩ. Ảnh: Giang Huy

Nhiều bác sĩ cho rằng công việc của người thầy thuốc đang ngày càng căng thẳng, nhiều áp lực, trong khi thu nhập không ổn định cũng không tương xứng với công sức lao động. Sự độc hại của môi trường làm việc và tính chất công việc cũng tác động đến tinh thần của bác sĩ.

Bệnh viện 09 là bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối và bệnh nhân lao. Môi trường ở viện có nguy cơ lây nhiễm khuẩn cao, lại dễ bị cộng đồng kỳ thị, tạo nhiều áp lực cho các y bác sĩ.

Gắn bó với Bệnh viện 09 từ những ngày đầu thành lập viện, nam bác sĩ từng là Trưởng khoa lao có chuyên môn cao, tay nghề vững. Tuy nhiên cuối cùng anh đành chấp nhận xin nghỉ việc. Rời Bệnh viện 09, người đàn ông trụ cột gia đình khi đấy mong muốn sẽ có sự nghiệp để xây được nhà cho vợ con, lo cho gia đình cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Vợ con không thể cứ đi ở trọ mãi được", anh nói.

Sau khi nghỉ việc ở Bệnh viện 09, nam bác sĩ đi học thêm 5 năm chuyên khoa răng hàm mặt rồi về mở phòng khám riêng và xây dựng một trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp. "Những ngày đầu làm riêng rất vất vả, đến nay đã dễ thở hơn nhiều phần", anh chia sẻ.

Anh nói rằng tại bệnh viện công, y bác sĩ có cơ hội để rèn nghề và phấn đấu, nhưng tùy điều kiện mỗi người lựa chọn con đường đi riêng cho mình.

"Cuộc sống liệu cơm gắp mắm như ông bà đã dạy, cứ vậy mà làm theo thôi", bác sĩ nói.

Chuyên gia Nhật Bản về tim mạch can thiệp (phải) trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong một ca bệnh. Ảnh: Phước Tuấn

Trong bối cảnh xã hội hóa y tế, nhiều bệnh viện và phòng khám tư hoạt động thu hút bác sĩ từ bệnh viện công sang làm việc. Năm 2018, Bệnh viện Bình Dân ở TP HCM có 4 bác sĩ xin nghỉ việc kể cả bác sĩ cấp trưởng khoa. Tại Đồng Nai trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc, hai tháng đầu năm 2019 đến 19 bác sĩ thôi việc.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ cho rằng: "Không nên phân biệt công - tư vì làm việc ở đâu cũng là cống hiến, chữa bệnh cho nhân dân". Theo ông, nếu bác sĩ "nhảy việc" nhưng không ra khỏi địa bàn đó thì không đáng lo ngại.

"Họ vẫn làm việc, vẫn cống hiến ở các khu vực y tế tư nhân trong khu vực, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho người dân", ông Tác nêu quan điểm.

Bộ Y tế đang tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ theo hướng phân cấp, tự chủ và hiệu quả. Các cơ sở y tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Hiện, 3 bệnh viện lớn của tỉnh là Đa khoa Đồng Nai, Thống Nhất và thị xã Long Khánh đã được Sở Y tế cho phép tự chủ tài chính để giải quyết tình trạng "chảy máu chất xám" nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, một số bệnh viện lớn như bệnh viện Tim, Phụ sản, Ung bướu, Da liễu, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Xanh Pôn, Thanh Nhàn... cũng áp dụng hình thức này.

Cơ chế tự chủ được xem là cơ hội để bệnh viện đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển kỹ thuật cao, ổn định đời sống và thu nhập cho cán bộ y tế. Khi đó, nạn "phong bì bệnh viện" hay bác sĩ phải "chân trong, chân ngoài" để tăng thu nhập sẽ giảm bớt. Riêng các bệnh viện địa phương phải có chính sách và ưu đãi, "trải thảm đỏ" mời các y, bác sĩ trình độ cao về làm việc.

Ở nhiều nước, bác sĩ là nghề nghiệp mang lại thu nhập cao hàng đầu. Tại Mỹ, thu nhập trung bình của bác sĩ phẫu thuật mỗi năm là 230.000 USD, thu nhập của bác sĩ đa khoa khoảng 161.000 USD, cao nhất trong các ngành nghề. Thu nhập của bác sĩ Anh cao nhất với 150.000 USD. Nước thuộc khối ASEAN như Singapore, thu nhập bác sĩ khoảng 30.000 USD.