Thực tế cho thấy, một số người độc thân vẫn vay tiền, mượn nợ phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Không phải là lương lèo tèo vài đồng, hay thất nghiệp vài ba tháng, dù đi làm mỗi ngày nhưng vẫn thiếu trước hụt sau vì chưa biết cách quản lí chi tiêu.

Như cô nàng trong câu chuyện dưới đây, mặc dù lương được tăng gấp đôi nhưng vẫn không có tiền để dư.

Mua sắm vô tội vạ là một trong những lí do chính khiến nhiều người trẻ thiếu thốn. Ảnh Pinterest.

Cô gái độc thân lương 15 triệu vẫn chật vật thiếu trước hụt sau 

T.N ra trường với bằng tài chính kế toán, cô nàng nhanh chóng kiếm được công việc đúng với chuyên ngành tại công ty tư nhân với mức lương 7 triệu. Sau một thời gian phấn đấu lương của N đã đạt 15 triệu. Với số tiền này, nhiều người nghĩ rằng, chắc N. cũng phải để ra được ít nhất là 5 triệu/tháng cho tiền tiết kiệm tương lai. Và thực tế trái ngược hoàn toàn, đa phần N. đều hết tiền trước ngày lãnh lương, thậm chí còn phải mượn bạn bè xài đỡ.

Mặc dù không cần mua quá nhiều đồ ăn vì bố mẹ gửi cho nhưng N. vẫn sống chật vật với số tiền 15 triệu. Ảnh minh hoạ: Pinterest.

Ngân kể: "Mình tiêu tiền thoải mái vì quan niệm "có làm có hưởng", lúc lương còn ở mức 7 triệu thì mình ở ghép với 1, 2 người bạn nhưng khi lương khá hơn thì dọn ra chung cư mini ở riêng để tiện đi làm và không gian cũng thoải mái hơn nhà trọ chật hẹp lúc trước. Cuối tuần mình cũng thường về quê và được bố mẹ gửi nhiều đồ ăn, thức uống, thực phẩm sạch. Thế nhưng lương 15 triệu mình tiêu vẫn chẳng đủ".

Các khoản chi tiêu cụ thể hàng tháng, khủng nhất là đốt tiền vào shopping 

Ngồi liệt kê ra các khoản chi tiêu, N. nhận thấy bản thân mình hơi phung phí ở một số khoản. "Nhiều lần ngồi kể chuyện với các chị làm cùng công ty, nghe về các khoản chi tiêu của mình, mọi người đều nhận xét mình chưa biết cách quản lý kinh tế. Bản thân mình cũng nhận ra điều đó và cũng từng hạ quyết tâm hoạch định, lên kế hoạch chi tiêu để dành tiền tiết kiệm nhưng chưa lần nào thành công", N. than thở.

Bảng chi tiêu trung bình của N trong vòng 1 tháng. Ảnh chụp màn hình.

Với mức chi tiêu có phần hoang phí như trên nên tháng nào hết sạch tháng đó, chẳng có được khoảng tiền tích lũy phòng thân. Thậm chí tháng nào có việc đột xuất, ốm đau hay cần mua sắm gì đó là N. lại phải mượn bạn bè hoặc xin bố mẹ.

N. cho biết, chỉ có thói quen nghiện mua sắm mới khiến cô nàng "khốn khổ" mỗi cuối tháng như vậy. Trung bình mỗi tuần cô mua sắm một lần khi thì cái váy, cái áo, đôi giày, thỏi son, hay lọ nước hoa... cộng lại mới thấy nhiều. N. thường đặt mua trên mạng hoặc đến tận shop, nhất là những thời điểm có đợt giảm giá. Tủ đồ ngày càng quá tải nhưng N vẫn chưa có ý định giảm lại.

Thậm chí, các khoản được phân chia rõ ràng như vậy nhưng những lúc "cao hứng", N. cũng dùng các khoản khác để tiếp tục mua sắm để thỏa mãn sở thích. "Có lần mình dốc hết cả tiền ăn vào mua đồ, cuối tháng phải ăn mì tôm chờ lương. Mình biết đó chính là nguyên nhân chính khiến bản thân không có tích lũy nhưng hạ quyết tâm nhiều lần mà chưa sửa được".

Cộng đồng mạng nói gì về việc chi tiêu "quá lố" của giới trẻ hiện nay?

Giới trẻ hiện nay, điển hình như N. không phải không biết cách kiếm tiền mà có thể chưa biết cách quản lí, chi tiêu nên "thiếu trước hụt sau" là chuyện dễ thấy. Nhìn qua bảng chi tiêu của N. ai cũng cho rằng việc bỏ 4 triệu/tháng để mua sắm trong khi lương 15 triệu là quá nhiều.

- Tháng nào cũng bỏ 4 triệu để mua sắm sao? Công việc của bạn cần đến ngoại hình như thế à?

- 1 năm mua sắm 3-4 lần là ổn, làm gì bỏ ra 4 triệu/tháng để shopping.

- Tiết chế 3 khoản: du lịch, shopping và mỹ phẩm là chi tiêu ổn lại ngay.

- Đúng là con gái phải tốn nhiều khoản thật đấy. 

N cho biết: "Đã 28 tuổi, gia đình cũng hối thúc chuyện cưới xin nhưng cứ nghĩ lại trong tay chưa có gì, lại không rành về quản lí tiền bạc thì chẳng dám nghĩ tới chồng con. Chắc có lẽ từ bây giờ mình nên nghiêm túc lại với bản thân, lập lại kế hoạch chi tiêu cho khoa học hơn"