Dễ dàng bị cuốn vào các hành động tà đạo một cách vô thức

Từ những quan niệm sai lầm, người có lối suy nghĩ tà kiến rất dễ bị cuốn vào những hành động tà đạo. Bởi vốn dĩ trong thâm tâm họ lúc này, không còn tồn tại ranh giới thiện – ác, mất đi tư tưởng về nhân – quả, không tin vào duyên nghiệp, các lý thuyết đúng đắn về cõi nhân sinh con người.

Từ đó, dẫn đến những hành động đậm chất tà đạo, trở thành những thành phần sai lầm, lạc lối trong xã hội.


Hành động tà đạo xuất phát từ những tà niệm. Mất đi niềm tin vào Phật giáo chỉ vì quan sát thấy một vị tăng làm sai, là một tà niệm bất chợt, nảy sinh trong một giây phút không vững vàng vào niềm tin thiêng liêng nơi đức Phật.

Tà niệm này có thể bị triệt tiêu, nếu tâm chánh thiện lớn hơn, và sẽ phát triển lan rộng, nếu không đủ mạnh mẽ, bị tà đạo dụ dỗ, bao vây. Cũng chính từ tà niệm này, những hành động tà đạo tự động nảy sinh, dần dần biến thành một thành phần của tà đạo.

Mất đi sự quán chiếu trước cuộc sống

Khi rơi vào tà kiến, cũng là lúc mất đi chính kiến cần thiết, quan niệm về nhân – quả, quá khứ, hiện tại, tương lại biến mất. Cuộc sống vì thế mất đi sự quán chiếu cần thiết, việc nhìn nhận mọi việc mang đậm tính tiêu cực.

Mất đi quán chiếu trước cuộc sống, cũng là khi bạn rất dễ dàng định nghĩa, phán xét, quy chụp mọi việc, hành động hàng ngày. Vốn dĩ trong cuộc đời này, người ta rất dễ mắc phải sai lầm khi quá tin tưởng vào những điều mình nhìn thấy.

Trong cuộc sống, khi chúng ta bắt gặp một thành phần nhỏ có hành động sai quấy mà vội vàng quy chụp cả một tổng thể sai trái, đó cũng là rơi vào tà kiến. Trước những sai sót của một vị tăng nào đó đang lầm đường lạc lối, mà đánh giá cả hệ thống Phật giáo theo hướng tiêu cực, ấy cũng là rơi vào tà kiến.

Lạm dụng điều này, những tâm hồn tà đạo rất dễ lôi kéo những bản ngã trong sáng rơi vào mê chấp, tách biệt hoàn toàn khỏi sự lương thiện của Phật giáo cũng như mất đi sự quán chiếu từ Tâm.

Tà kiến là căn nguyên của mọi đau khổ

Ác nghiệp thứ mười là tà kiến, đây là nghiệp xấu tệ hại nhất, và được xem là căn nguyên của mọi đau khổ. Từ suy nghĩ mê lầm, người ta rất dễ rơi vào tâm lý lệch lạc, sinh ra tham, sân, si… Và từ trạng thái tâm lý thiên về tiêu cực, người ta lại rất dễ dàng rơi vào ác nghiệp, gây ra những tội ác, đau khổ.

Nghiệp tràn nghiệp

Theo đức Phật, con người không thể chấm dứt Nghiệp nếu không phải nhận lại những hậu quả. Mà người rơi vào tà kiến, vốn dĩ đã bị mất dần quan niệm về nhân – quả, Nghiệp trong đời.

Do vậy, những sai lầm, hành vi sai quấy cứ tiếp tục tràn lên nhau, tạo thành một khối Nghiệp cực kì lớn, đeo bám lấy họ và đến một khoảnh khắc nào đó ắt phải trả giá, nhận hậu quả.