Vợ tôi là con một, từ bé đã được bố mẹ nuông chiều, hầu như không phải động tay vào bất cứ việc gì. Khi quyết định cưới, bên ngoại ép phải ở rể. Tôi vất vả lắm mới thuyết phục được không phải sống chung.

Sau khi cưới, vợ chồng tôi chuyển ra một khu trọ. Ban đầu, cô ấy không thích nhưng miễn cưỡng đồng ý với điều kiện phải sớm mua nhà.

Khoảng nửa năm sau, chúng tôi mua được một căn hộ chung cư. Tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Bởi nếu phải ở nhà trọ quá lâu, vợ sẽ không vui. Thêm vào đó, bố mẹ vợ sẽ tìm mọi cách để đưa cả hai về sống chung. Đó là điều tôi không mong muốn.

Vợ tôi không muốn từ bỏ công việc nhàn nhã để cùng lo chuyện kinh tế với chồng (Ảnh minh họa: KR).

Vì vợ tôi có tính cách tiểu thư nên khi bước ra sống tự lập sẽ gặp không ít bỡ ngỡ. Cô ấy muốn chồng giúp đỡ mọi việc trong nhà, ngại vào bếp, không thích đi chợ... Tôi phải hướng dẫn từng chút, cùng làm các việc lặt vặt để vợ không chán nản.

Trước khi cưới, bố vợ tôi từng yêu cầu phải cố gắng, không để cô ấy khổ hay tự cáng đáng việc nhà. Tôi hiểu hoàn cảnh xuất thân của vợ nên không bao giờ để cô ấy vất vả. Bất cứ việc gì làm được, tôi đều hỗ trợ. Nhờ vậy, cuộc sống của chúng tôi êm ấm, hạnh phúc.

Khi quyết định cưới một người vợ được nuông chiều từ bé, tôi hiểu bản thân sẽ phải là trụ cột của gia đình. Với những cặp đôi khác, bà xã sẽ hỗ trợ chồng một phần trong việc kiếm tiền. Tuy nhiên, vợ tôi luôn quan niệm, chồng phải là người lo kinh tế cho cả nhà.

Vợ tôi xác định đến văn phòng chỉ mang tiếng có công việc, không muốn phải đi sớm, về muộn hay nuôi mơ ước thăng tiến. Tôi thông cảm với vợ, vì trong gia đình, người phụ nữ sẽ là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm làm việc.

Vì yêu và thương vợ, nghĩ đến lời hứa với bên ngoại, tôi từng thủ thỉ với bà xã: "Em chỉ cần vui vẻ là được, mọi thứ trong nhà cứ để anh lo".

Nghe được lời này của tôi, vợ càng thấy thoải mái. Tuy nhiên, từ khi tôi nói như vậy, bà xã càng lười hơn. Cô ấy chỉ muốn chồng làm hộ việc nhà.

Những bữa cơm tự nấu thưa thớt dần, thay vào đó vợ thích gọi đồ ăn từ ngoài quán về. Thú thật ăn một bữa còn được, nếu ăn "cơm hàng cháo chợ" như vậy quá lâu, tôi nuốt không nổi.

Có những hôm đi làm về muộn, nhà cửa vẫn bừa bộn, vợ tôi chỉ nấu cơm rồi ngồi xem tivi. Ngày cuối tuần, người ta đi chơi, còn tôi nai lưng dọn dẹp đủ thứ. Có những lúc bản thân cảm thấy như đang sống độc thân, không có vợ bên cạnh.

Thời gian này, kinh tế khó khăn, công việc của tôi không còn kiếm được nhiều tiền như trước. Chúng tôi không còn là vợ chồng son mà phải lo kinh tế để nuôi con.

Tôi tâm sự với vợ về tình hình khó khăn hiện tại nhưng cô ấy tỏ ra thờ ơ như chuyện của người ngoài. Dường như vợ mặc định, chồng phải có trách nhiệm đưa tiền về, không quan tâm lý do đằng sau.

Tôi bàn với vợ tìm công việc mới để có mức lương cao hơn, giúp hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, vợ cho rằng, công việc hiện tại nhàn nhã, ít áp lực nên không nghỉ.

Cô ấy nhắc lại lời hứa không để vợ phải lo nghĩ bất cứ điều gì cách đây mấy năm. Vợ còn khẳng định, đàn ông đã nói phải giữ lời và thực hiện được.

Là người đàn ông, ai cũng muốn vợ con không vất vả. Tuy nhiên, tôi đang ở trong tình cảnh không thể cáng đáng tiền bạc như trước đây nhưng vợ không thông cảm hay thấu hiểu.

Tôi cảm thấy hối hận khi lỡ nói với vợ những lời khiến cho cô ấy không có chí tiến thủ, sống hoàn toàn dựa dẫm vào chồng.