Khi mang thai con đầu lòng, mẹ đẻ tôi dặn dò: “Xưa mẹ mang bầu mày là ốm nghén dữ lắm, mãi đến tháng thứ 4 mới đỡ đấy con ạ. Không gì khổ bằng ốm nghén đâu”. Rồi mẹ cũng cẩn thận khuyên tôi phải ăn uống ra sao để hạn chế bớt sự mệt mỏi và những cơn buồn nôn luôn đến thường trực. Lúc đó, tôi nghĩ rằng chuyện ai chẳng phải trải qua trong hành trình thực hiện thiên chức thiêng liêng của những người phụ nữ. Việc gì đến, thì mình xử trí, khéo chồng thấy, chồng thương còn được yêu chiều hơn trước.

Mang bầu, tôi được chồng thương hơn trước. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, mọi việc luôn không như tôi nghĩ. Điều bất ngờ nhất người ốm nghén không phải là tôi. Bởi kể từ ngày mang thai, tôi hay đi vệ sinh hơn trước, có hôm chồng nằm ngoài ngủ ngáy o o, tôi đạp chân mãi không tỉnh nên đành leo qua người để vào nhà vệ sinh. Liên tục cả một tuần liền như vậy cho đến khi tôi bực bội bảo: “Anh vào bên trong nằm, để em nằm ngoài đêm hôm cho thuận tiện”.

Thế rồi chẳng hiểu vì sao, sau hôm đó chồng tôi có những biểu hiện rất lạ. Mỗi sáng vừa mở mắt, anh nhảy phắt vào nhà vệ sinh nôn ọe vài phút đồng hồ. Chưa hết, cứ mỗi lần đi làm về đến nhà, thấy tôi đang xào nấu, hoặc kho thịt, anh lại bụm miệng chạy vào nhà vệ sinh đầy mệt mỏi. Tần suất tăng lên theo thời gian đến nỗi tôi lo ngại chồng đang mắc dạ dày hoặc một căn bệnh nào đó.

Một tuần sau bệnh tình của anh thêm nghiêm trọng, chồng tôi hầu như chỉ đi làm được nửa buổi rồi xin về nhà nằm. Lúc nào cũng mệt mỏi, chẳng thiết ăn uống khiến tôi vô cùng lo lắng. Đúng lúc bụng mang dạ chửa, chẳng biết làm thế nào nên tôi đành cầu cứu mẹ đẻ lên ở cùng hai vợ chồng ít hôm.

Mẹ tôi từ quê lên mang bao nhiêu quà cho con gái, nấu được bát cháo cho con rể thì anh vừa ngửi thấy mùi đã chạy vào nhà vệ sinh nôn sạch, rồi từ chối bát cháo nóng hổi. Nhìn thấy biểu hiện của chồng tôi, mẹ phá lên cười: “Trời ơi đừng nói với mẹ con nghén thay con Ngân đấy nhé. Phải không con?”.

Lúc này, cả hai chúng tôi đều ngơ ngác. Quả thực tôi chẳng hề ốm nghén một tí nào như cách mà các bà bầu khác mô tả, ngược lại, nhìn chồng tôi, biểu hiện thật chẳng khác nào đang có bầu. “Thế nhưng sao mà lại thế được hả mẹ? Anh ấy là đàn ông cơ mà?”. Mẹ tôi tủm tỉm: “Đàn ông cũng có thể nghén thay vợ, nên xưa các cụ thường kiêng có bầu mà bước qua người chồng là vậy đó con”. Tôi kinh ngạc: “Thật sao? Cả tuần liền con muốn đi vệ sinh ban đêm, gọi mãi anh ấy ngủ say quá, nên con tiện leo qua người luôn đó mẹ”.

Hóa ra, căn bệnh mà tôi lo lắng lại xuất phát từ việc anh ốm nghén thay vợ. Dù tôi không biết đó có phải sự thật hay không, nhưng may mắn khoảng 1 tháng sau chồng tôi giảm dần tình trạng nôn ọe rồi hết hẳn. Anh sút đi hẳn 2kg vì hầu như chẳng ăn uống nổi gì, còn tôi mang thai lại phải kiêm thêm nhiệm vụ làm osin phục vụ cho chồng. Trực tiếp nhìn thấy người đàn ông bình thường thì khỏe mạnh, cáng đáng mọi công to việc lớn, nay nằm mệt nhoài trên giường, tôi vừa bực vừa thương. 

Tôi chẳng hề ốm nghén tí nào nhưng nhìn chồng tôi, biểu hiện thật chẳng khác nào đang có bầu. (Ảnh minh họa)

Sau trận ốm nghén kéo dài gần cả tháng, ngay bản thân ông xã cũng phải thừa nhận, dù đuối toàn tập nhưng việc này cũng khiến anh hiểu ra: “Sinh một đứa con, phụ nữ phải chịu khổ sở tới cỡ nào. Nếu không trải qua lần này, anh sẽ vĩnh viễn không bao giờ hiểu được cảm giác mệt mỏi đó”.

Ốm nghén là gì? Làm thế nào để giảm ốm nghén?

Ốm nghén là cảm giác khó chịu, đầy hơi, buồn nôn xuất hiện nhiều lần ở phụ nữ mang thai, thường xuất hiện ở tuần thai thứ 9 và kết thúc ở tuần thai thứ 14. Phụ nữ nghén thường bị buồn nôn và ói mửa khi ngửi thấy mùi thức ăn, mùi nồng hoặc thậm chí không có tác nhân kích thích nào. Một số phụ nữ mang thai bị nghén nặng có thể kéo dài lâu hơn, thậm chí suốt thai kỳ.

Tuy nhiên, tình trạng ốm nghén cũng có thể xảy ra ở đàn ông. Biểu hiện ốm nghén, nôn nao, tăng cân khi vợ hoặc người yêu mang thai. Đây được cho là hội chứng Couvade, còn gọi là “mang thai đồng cảm”.

Vậy, khi ốm nghén, cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

- Trước hết, người ốm nghén nên thay đổi lối sống, cải thiện chế độ ăn uống để tránh cảm giác khó chịu:

- Uống nhiều nước, chia thành nhiều lần uống.

- Chia nhỏ các bữa ăn với các thực phẩm chế biến không gây kích thích nhiều, tránh thực phẩm chiên rán, nhiều mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.

- Tránh tiếp xúc với mùi khó chịu từ thực phẩm hay không gian sống và làm việc.

- Sử dụng gừng và các thực phẩm từ gừng như: trà gừng, kẹo gừng.

- Ăn các món ăn nhạt, chế độ ăn đủ chất với các thực phẩm dễ tiêu hóa, ít chất béo.

- Nên ăn nhẹ bằng bánh mì hoặc bánh quy buổi sáng.

Bên cạnh đó, nôn ói kéo dài khiến acid dạ dày trào ngược gây ăn mòn men răng, chua miệng. Vì thế người ốm nghén có thể súc miệng bằng nước hòa tan baking soda để trung hòa acid, bảo vệ men răng.

Tin liên quan