Ba năm trước, tôi và chồng quen nhau tại công ty. Thấy tôi ấn tượng, anh chủ động xin số điện thoại rồi tán tỉnh. Chẳng hiểu duyên trời định thế nào, tôi lại xiêu lòng mặc dù trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy người cùng công ty.

Sau hơn 2 năm yêu nhau, chúng tôi chính thức thành vợ chồng. Và khi đó tôi cũng quyết định chuyển công việc khác vì không thích vợ chồng cùng làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Gần ngày cưới, tôi với chồng bàn tính phân chia khách mời vì hai đứa làm cùng. Tôi phụ trách mời hai phòng kinh doanh, kế toán, còn chồng mời các phòng ban còn lại. Đám cưới tổ chức tại nhà hàng nên dù mời riêng thì mọi người cũng ăn cưới cùng nơi. Chuyện phân chia khách mời thực ra chỉ là việc làm để tránh bị chồng chéo.  

Ngày cưới, đồng nghiệp đến rất đông. Vì quê xa, hai đứa chủ động thuê xe đưa đón mọi người nên ai cũng nhiệt tình đi. Đối với chúng tôi, bạn bè về được là niềm vinh hạnh của gia đình. Số tiền mừng của bạn bè chúng tôi cũng muốn gửi lại bố mẹ để lo cỗ bàn. Vợ chồng tôi không giàu có nhưng cũng không đến mức khó khăn, chỉ muốn đỡ đần một phần cho bố mẹ.

Như bao người, buổi tối hôm đó là màn bóc phong bì cưới hồi hộp. Mọi người ai cũng có quà mừng hậu hĩnh. Tuy chỉ có một đồng nghiệp khiến tôi có chút thất vọng. Đó là người bạn cũ của tôi và cũng là đồng nghiệp hiện tại của chồng. 

Ngày trước, khi cậu ta lấy vợ, tôi rất nhiệt tình về quê ăn cưới cậu ấy và mừng 500 nghìn. Chồng tôi cũng đi ăn cưới bạn đó với tư cách đồng nghiệp và mừng số tiền tương tự. Chúng tôi còn tự bỏ tiền thuê xe để về quê vì khi đó không có xe đưa đón. Nghĩ mình nhiệt tình như vậy, cậu bạn ấy chắc chắn sẽ về đám cưới của hai đứa nhưng cậu ấy lại cáo bận không về được và gửi mừng 300 nghìn. Thông qua lời người bạn thân của chồng, tôi biết được cậu ấy đang tính toán chuyện ăn cỗ hay không ăn cỗ. 

Tôi cho rằng phép lịch sự tối thiểu chính là “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Cậu bạn này cho rằng trước đây chúng tôi đều đi ăn cưới cậu ta nhưng bây giờ hai đứa lấy nhau thì chỉ được tính một đám cưới, một người. Cậu ta không có trách nhiệm phải mừng bằng số tiền hai người từng mừng. Hơn nữa, cậu ta không về ăn cỗ thì gửi 300 nghìn mừng là giá chung, ăn cỗ thì mới có giá 500 nghìn. Việc cáo bận cũng chỉ là cái cớ vì muốn tiết kiệm tiền mừng và ngại đi xa. Câu chuyện ấy khiến chúng tôi thực sự buồn. 

Bản thân tôi nghĩ cậu ấy không về được thì cũng nên gửi ít nhất 500 nghìn, bằng số tiền một trong hai vợ chồng tôi từng đi. Thậm chí cậu ấy nên mừng một triệu hoặc nhiều hơn thế vì tiền bạc đã mất giá nhiều so với mấy năm về trước. 

Chồng tôi nói có thể hoàn cảnh cậu ta khó khăn nhưng tôi thì lại không nghĩ như thế. Ở công ty thu nhập của cậu ấy thế nào chúng tôi đều rõ. Vợ chồng tôi cũng chỉ làm nhân viên như cậu ấy, thu nhập không hơn. Trong khi vợ cậu ấy lại rất khá, cậu ta cũng vung tay tiêu tiền chứ không hề giống một người khó khăn, tiết kiệm. 

Gần đây tôi đọc được một số câu chuyện liên quan đến chuyện tiền mừng cưới và cũng xin kể ra đây để mọi người cùng suy ngẫm. Bản thân tôi không có ý nói xấu hay phê bình vì chuyện cũng đã qua. Ai nói tôi tính toán chi ly, tôi xin nhận. Nhưng tôi cũng chỉ muốn nói rằng ở đời không phải ai cũng sòng phẳng và biết đối nhân xử thế. Tôi cho rằng phép lịch sự tối thiểu chính là “có đi có lại mới toại lòng nhau”.