Ôm hàng trăm triệu rồi cao chạy xa bay

Theo báo Phụ nữ Online, “nhà sư rởm” tên là Nguyễn Hữu Tính (33 tuổi, quê ở thị xã Gò Công, Tiền Giang).

Vào ngày 17/4, Tính mặc bộ áo nâu sòng, đeo chuỗi hạt, đội mũ len đóng giả sư thầy đến nhà bà Nguyễn Thị Thủy (53 tuổi, xã Hương Hòa, H. Nam Đông, Thừa Thiên Huế) bán hương và bùa bình an.

Biết bà Thủy vừa vay tiền mua ôtô tải cho con, Tính đã xin số điện thoại và liên lạc bảo bà Thủy phải phải tổ chức lễ cúng, nếu không con trai bà sẽ bị tai nạn.

Lợi dụng sự mê tín dị đoan của gai đình bà Thủy, đối tượng Tín đã giả làm sư thầy đi bán hương rồi lừa đảo chiếm đoạt 118 triệu đồng. Ảnh: CA. Nam Đông cung cấp

Tin lời, bà Thủy đã mời Tính đến nhà cúng giải hạn. Ngày 15/5, Tính đến nhà bà Thủy làm lễ cúng giải hạn. Trong lúc cúng, Tính yêu cầu bà Thủy bỏ vào đĩa tiền lễ 119 triệu đồng để cúng song bà Thủy chỉ để vào đĩa 118 triệu đồng. Sau lễ cúng, Tính nói bà Thủy phải đem tiền về chùa Từ Đàm TP. Huế làm lễ và sẽ trả lại sau.

Tuy nhiên, Tính đã mang số tiền cao chạy xa bay vào Tiền Giang lẩn trốn. Không thấy Tính quay trở lại, biết mình bị lừa, bà Thủy đã làm đơn trình báo công an.  

Sau 1 tuần điều tra, công an huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bắt giữ được Tính tại tỉnh Tiền Giang.

Dọa dẫm "có vong âm theo"

Đây không phải vụ việc đầu tiên kẻ gian giả nhà sư lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo báo Tuổi Trẻ Online, tháng 12/2018, Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tạm giữ hình sự hai người giả nhà sư là Nguyễn Duy Phong (31 tuổi) và Đỗ Văn Hiền (46 tuổi, cùng trú tại Gò Công, Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin ban đầu cho biết, gần đây, Nguyễn Duy Phong và Đỗ Văn Hiền đến Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai nhà sư vào các nhà dân bán nhang dạo.

Ngày 1/12/2018, Phong đến nhà bà H. (49 tuổi, trú tại ấp Sông Vĩnh, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ) bán nhang và "hù" rằng gia đình bà bị vong âm theo, cần phải nhờ thầy về cúng để đuổi vong. Phong nói có quen biết thầy chùa, nếu bà đồng ý sẽ nhờ thầy đến cúng giúp.

Đỗ Văn Hiền khi bị tạm giữ tại cơ quan công an. Ảnh: Quỳnh Trang/ Tuổi Trẻ Online.

Khi bà H. đồng ý, Phong về phòng trọ cùng Hiền lên kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bà H.. Tối cùng ngày, cả hai người trên đến nhà bà H. và mang theo một cọc tiền âm phủ.

Khi gặp bà H., "hành lễ" đuổi vong, Hiền yêu cầu bà này lấy khoản tiền tương ứng với các con số 39, 49, 79 đưa cho Hiền để cúng. Sau ba ngày lấy số tiền trên để làm ăn thì sẽ gặp may mắn. Bà H. lấy 79 triệu đồng đưa cho Hiền.

Nhận tiền từ chủ nhà, Hiền và Phong lấy giấy bọc lại rồi để vào một chiếc dĩa và lấy một miếng vải màu đỏ đậy kín. Khi cúng, Hiền yêu cầu toàn bộ người thân nhà bà H. ra ngoài.

Lúc này, Hiền liền lấy toàn bộ 79 triệu đồng tiền thật do bà H. đưa bỏ vào túi mình rồi lấy bọc tiền âm phủ đã chuẩn bị trước bỏ vào chiếc dĩa, đậy kín bằng miếng vải. Mục đích là để chủ nhà không phát hiện số tiền đã bị đánh tráo.

Khi bà H. vào, hai người giả sư yêu cầu bà H. đem đĩa đựng tiền cất vào tủ, đúng ba ngày sau lấy ra.
Nếu mở ra xem sẽ bị mất lộc. Nhưng rất may, khi mang tiền vào cất, bà H. nghi ngờ nên mở mảnh vải đỏ ra xem thì phát hiện toàn bộ số tiền của mình đã bị đánh tráo bằng tiền âm phủ nên đã trình báo cơ quan công an. Những vụ việc giả danh nhà sư để lừa đảo, chiếm đoạt tải sản là lời cảnh báo người dân hãy hết sức cảnh giác, đừng vì mê tín mù quáng mà có thể gây hậu quả tiền mất tật mang.