Lãnh cảm vì gần 15 năm "quên" quan hệ tình dục

Mới đây, các y bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tiếp nhận và tư vấn cho một nữ bệnh nhân bị "lãnh cảm" do bỏ bê "chuyện ấy" lâu năm. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, đó là bệnh nhân là nữ (43 tuổi, trú tại Hà Nội). Theo đó, bệnh nhân đến viện thăm khám trong tình trạng hoang mang, lo lắng. 

Bệnh nhân cho biết, đã lập gia đình năm 21 tuổi và có bé gái. Tuy nhiên, khi bệnh nhân 28 tuổi thì chồng bị tai nạn giao thông và qua đời. Từ đó, bệnh nhân ở vậy nuôi con và không quan hệ tình dục.

Khi con đã lớn, bệnh nhân quen và có cảm tình với một người đàn ông trẻ tuổi hơn mình. Sau nhiều lần, chị đã mở lòng trong chuyện tình dục trong tình trạng hồi hộp, căng thẳng và lo lắng.

Bệnh nhân chia sẻ: Khi mới vào "cuộc yêu" thì có cảm giác đau rát, một lúc sau cảm giác đau tăng lên và không thể chịu được. Sau đó, bệnh nhân phát hiện bị chảy máu âm đạo. Hôm sau, bệnh nhân kiểm tra và phát hiện xước ở thành ngoài âm đạo. Bệnh nhân xấu hổ không dám đối mặt với người đàn ông kia mà âm thầm chịu đựng.

Những ngày sau đó, bệnh nhân luôn căng thẳng, lo lắng. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân đã đến Bệnh viện để thăm khám và điều trị.

Lãnh cảm - bệnh khó nói nhưng dễ chữa 

Lãnh cảm là hiện tượng người phụ nữ không có hứng thú với hành vi tình dục, một số trường hợp cảm thấy ghê sợ chuyện tình dục mặc dù đó là chồng hoặc người tình. Chứng lãnh cảm làm cho chị em “không hứng thú” tình dục và thường trong tình trạng chiều chồng cho đúng nghĩa vụ.

Để nhận biết chứng lãnh cảm, cần dựa vào những dấu hiệu như: trong quá trình nhiều lần sinh hoạt tình dục, trải qua kích thích bằng ve vuốt, khêu gợi, hôn hít, tiếp xúc cơ quan sinh dục... nữ giới vẫn không thấy hưng phấn, âm vật không sung huyết, âm đạo cũng không có “phản ứng” bài tiết dịch thì có thể nói là không có cảm giác tình dục hoặc cơ bản là mất đi ham muốn.

Vợ chồng nên tạo không khí lãng mạn để hâm nóng tình cảm. Ảnh minh họa.

Theo ThS Nguyễn Hải Đăng trả lời trên báo Sức khỏe & Đời sống thì: Bước đầu tiên trong quá trình phòng chứng lãnh cảm thì vợ chồng phải có lối sống tình dục lành mạnh, luôn luôn giữ tinh thần thoải mái. Phụ nữ thường xuyên đi khám phụ khoa để phát hiện và điều trị kịp thời (nếu có), tránh để gây viêm nhiễm hoặc lây truyền bệnh.

Việc phát hiện phụ nữ bị lãnh cảm không khó, biểu hiện rõ rệt là không có ham muốn, không đạt được cực khoái. Lúc này, người chồng không nên nổi nóng, trách móc, nghi ngờ hay ghen tuông, đặc biệt là tránh tạo áp lực trong chuyện chăn gối với vợ... mà cần thật tâm an ủi và tâm sự nhẹ nhàng với vợ để hiểu và chia sẻ. Cách này vừa giúp tinh thần của người bạn đời thoải mái mà lại là cách để thể hiện tinh thần luôn sát cánh sẽ khiến người vợ vượt qua tình trạng lãnh cảm một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó thì người vợ cũng cần có một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để có cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần cũng sẽ cải thiện được chứng lãnh cảm. Một số thức ăn như quả bơ, hạnh nhân, dâu tây, hàu... có tác dụng tốt cho sức khỏe tình dục.

Phụ nữ hãy tạo cho mình một cuộc sống thoải mái, thư giãn như cùng chồng đi xem phim, đi ăn tối, đi du lịch. Người chồng nên chia sẻ việc nhà, chăm sóc con nhỏ (nếu có) cùng vợ. Phòng ngủ nên trang trí lãng mạn, thoáng mát, gợi cảm...Vợ chồng thường xuyên gần gũi, ôm ấp, vuốt ve để lấy lại khoái cảm. Nếu vùng kín khô gây đau trong lúc quan hệ, nên khởi động thật kỹ hoặc sử dụng chất bôi trơn. Trước khi đi ngủ, nên giữ cho cơ thể sạch sẽ, thơm tho và thư giãn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc...

Tuy nhiên, khi cả hai vợ chồng đã cùng cố gắng mà tình trạng lãnh cảm của người vợ không được cải thiện, thì cần phải đi khám bệnh tại cơ sở chuyên khoa để kịp thời được tư vấn tâm lý và hỗ trợ điều trị bằng thuốc. Không nên để tình trạng lãnh cảm kéo dài, bởi nó không những ảnh hưởng đến tâm sinh lý của vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.